Không gửi tiền cấp dưỡng nuôi con là vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Khi hai vợ chồng tôi ly hôn, tôi được quyền nuôi con 3 tuổi và chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho con là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, gần một năm nay, anh ta không gửi tiền cấp dưỡng cho con. Khi tôi yêu cầu thì anh ta cũng viện cớ khó khăn trong khi vẫn thấy anh ta đăng ảnh đi chơi, du lịch với bạn bè. Thưa luật sư, theo pháp luật hiện hành, hành vi của cá nhân này bị xử lý như thế nào? Lê Thị Lan (Quận Ba Đình, Hà Nội)

Anh minh họa

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 - Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Trường hợp bạn và chồng đã ly hôn, Tòa án đã tuyên án bạn là người trực tiếp nuôi con và chồng cũ của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Việc chồng bạn không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là vi phạm pháp luật.

Khoản 2 Điều 2 - Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc...”.

Và Điều 4 - Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định:

“Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án”.

Như vậy, nếu chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án thì bạn có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án buộc chồng cũ của bạn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Tòa án. 

Nếu chồng bạn vẫn tiếp tục không chấp hành thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 - Bộ luật Hình sự về tội không chấp hành án như sau: 

“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.