Không được đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông

ANTĐ - Quan điểm trên được nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và chiến lược và các nhà ngoại giao đề cao tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.

Không được đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông ảnh 1Hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thành phố Đà Nẵng lần này là cơ hội chia sẻ cũng như phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông và đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa. 

Nhận định môi trường an ninh ở Biển Đông hiện nay khá phức tạp, Giáo sư Aileen Baviera, Trung tâm châu Á - Đại học Philippines, cho rằng đó là do các quốc gia ven biển và các bên cùng có lợi ích ở vùng biển này trong khi tồn tại nhiều vấn đề khác biệt đan xen với nhau, tạo ra nhiều thách thức cho các bên tranh chấp. Theo giáo sư Baviera, trong khi có thể tạm thời giải quyết từng thách thức, thì có lẽ cần một cách tiếp cận thống nhất và toàn diện hơn để có thể giải quyết tận gốc vấn đề, tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin, đảm bảo an ninh, khai thác chung các nguồn tài nguyên và các lĩnh vực hợp tác thiết thực khác…

Tại hội thảo, giới học giả và phân tích chiến lược đặc biệt lưu tâm tới những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của bất kỳ bên nào khi tiến hành các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc trù tính thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách vô lối của họ, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột trên Biển Đông.

Trong hai ngày qua, các học giả đã đánh giá tình trạng và xu hướng quan hệ quốc tế liên quan đến việc thiết lập, duy trì trật tự hàng hải tại Biển Đông. Đồng thời, các yếu tố chiến lược trong tranh chấp Biển Đông và cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, được bàn thảo bên cạnh vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không của khu vực. Một số học giả cho rằng với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng, tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Ji You, Nghiên cứu viên Cấp cao, Viện Đông Á, Đại học quốc gia Singapore thì cho rằng, căng thẳng Biển Đông đã leo thang nhanh chóng kể từ năm 2010. Có một số lý do dẫn đến tình trạng leo thang tranh chấp theo chiều xoắn ốc này, tuy nhiên, kịch bản tranh chấp leo thang thành xung đột ở Biển Đông không phải là không thể tránh được...

Bởi vậy, giải pháp thực tế và phù hợp nhất hiện nay là các bên cùng xây dựng các quy tắc ứng xử để bảo đảm hành động của mình phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế và không làm gia tăng va chạm, tranh chấp tại Biển Đông.

Ông Anup Singh, Cựu Phó đô đốc, nguyên Tổng Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ: Biến rạn san hô thành đảo nhân tạo là “không thể chấp nhận”

“Nếu ý định xây dựng trên rạn san hô, để biến rạn san hô thành đảo nhân tạo, từ đó lại tạo ra các vùng biển, tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì đây là hành động “không thể chấp nhận”. Như gần đây chúng ta biết Trung Quốc có dự định xây dựng các căn cứ hải quân và các đường băng trên đảo nhân tạo, đây sẽ là ý đồ để gây ra sự đe dọa sử dụng vũ lực và tạo ra áp lực cho tất cả các quốc gia khác trong một vùng biển rất giàu tài nguyên đó là Biển Đông”.

Ông Hoàng Việt, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh: Không đồng tình với quan điểm của học giả Trung Quốc

“Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC đã quy định là các quốc gia không được thay đổi các nguyên trạng và làm phức tạp thêm tình hình, nhưng những hành động từ phía Trung Quốc, đặc biệt là việc để tồn tại những cấu trúc địa lý trên vùng Trường Sa cũng đã làm cho thay đổi hiện trạng đồng thời phản ánh tham vọng của Trung Quốc là muốn thay đổi sự nguyên trạng này. Một số học giả Trung Quốc cho rằng họ có quyền làm như thế, đấy là quan điểm từ học giả Trung Quốc, tuy nhiên nó không nhận được sự đồng tình của các học giả trên thế giới”.