Không được chủ quan, thờ ơ với dịch sốt xuất huyết

ANTĐ - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số bệnh nhân tăng mạnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân nếu phát hiện ổ muỗi nghi truyền SXH, mật độ muỗi dày, có bệnh nhân nghi mắc SXH… cần thông báo ngay tới Trạm Y tế tại địa phương. Những bệnh nhân có bệnh cảnh nhẹ không cần vượt tuyến lên Trung ương điều trị.
Không được chủ quan, thờ ơ với dịch sốt xuất huyết	 ảnh 1

Bệnh nhân SXH nằm ghép 2, 3 người trên 1 giường 

Không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi 

Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố đã ghi nhận khoảng 2.700 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong, số mắc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc SXH nhập viện trong tháng 9 đã tăng gần gấp đôi so với tháng 8, từ 188 ca lên 305 ca, trong đó bệnh nhân đến từ Hà Nội chiếm tới 88%. Hiện Sở Y tế Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, tổ chức nhiều chiến dịch phun hóa chất diện rộng ở các địa bàn có ổ dịch, địa bàn nguy cơ nhằm kiềm chế số mắc SXH gia tăng trong tháng 10, phấn đấu giảm số mắc từ tháng 11 tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch SXH đang gia tăng thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh này. Sở Y tế Hà Nội cho biết, có tới hơn 30% số hộ gia đình trên địa bàn vẫn từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục khi cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH.

Ngược lại, có nhiều người do quá lo lắng nên đã tự ý thuê, phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH, hoặc không biết thông báo đến các cơ quan chức năng nào để được hướng dẫn. Trao đổi với phóng viên báo ANTĐ chiều 1-10, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo mọi người dân, khi phát hiện trong khu vực có mật độ muỗi dày, có ổ muỗi nghi ngờ là muỗi truyền bệnh SXH cần thông báo ngay tới Trạm Y tế ở địa phương. 

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, Trạm Y tế sẽ có trách nhiệm cử người xuống điều tra, báo cáo Trung tâm Y tế quận/ huyện để có hướng xử lý, đảm bảo phòng bệnh cho dân. Tương tự, nếu có người bệnh nghi ngờ hoặc đi khám được bệnh viện chẩn đoán mắc SXH thì người dân cũng phải có trách nhiệm thông báo tới Trạm Y tế địa phương để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời. Người dân không nên tự ý hoặc thuê dịch vụ tư về phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH, bởi việc phun hóa chất phải có chỉ định chuyên môn, đảm bảo đúng, đủ liều lượng thì mới có tác dụng, nếu không có khi còn lợi bất cập hại.

“Hơn nữa, phun hóa chất chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành chứ không ngăn chặn tận gốc nguồn lây truyền bệnh SXH, do vậy điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân cần tăng cường ý thức phòng bệnh và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống SXH, gồm: tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh nơi sinh sống, thau rửa sạch sẽ các vật dụng chứa nước, đi ngủ nằm màn…” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Hạn chế tình trạng tự ý vượt tuyến 

Một vấn đề khác đang tồn tại trong công tác phòng chống SXH trên địa bàn Hà Nội hiện nay là tình trạng nhiều bệnh nhân dù bệnh cảnh nhẹ nhưng vẫn tự ý vượt tuyến lên tuyến Trung ương điều trị. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời điểm này, do lượng bệnh nhân SXH vào điều trị quá đông, trung bình mỗi ngày có từ 200-300 bệnh nhân mới đến khám, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXH dengue, khiến bệnh viện quá tải trầm trọng. Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị là gần 80 người. Nhiều phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, ghép 3 bệnh nhân SXH/giường. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, khoa hiện có đông bệnh nhân SXH nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mặc dù bệnh viện đã giải thích nhiều lần cho các bệnh nhân rằng bệnh SXH có thể điều trị ở tuyến dưới, song rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để điều trị tại bệnh viện. 

Trước thực trạng này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng cường công tác đào tạo, rút kinh nghiệm điều trị, phối hợp với các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện trong địa bàn Hà Nội để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội đánh giá tình hình công tác điều trị SXH dengue ở các bệnh viện để có những khuyến cáo và điều chỉnh hợp lý hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo người dân, nếu nghi ngờ mắc SXH không nên điều trị tại nhà, hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện như: sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da…