Về xử lý nước thải ở bệnh viện Đống Đa:

Không được cản trở việc bảo vệ môi trường

ANTĐ - “Tôi sống ở phường Quang Trung đã 50 năm và từng ấy thời gian chưa từng thấy bệnh viện đa khoa Đống Đa được sửa chữa, đầu tư gì lớn về cơ sở vật chất hay hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Mấy năm gần đây, cứ mỗi lần bệnh viện rục rịch sửa chữa hay nâng cấp là phía Nhà thờ Thái Hà lại tìm mọi cách cản trở. Kiểu này, khó tránh khỏi bệnh viện lại trở thành nơi lây nhiễm, phát tán dịch bệnh mất”, ông Nguyễn Văn Tâm - Cụm trưởng cụm dân cư số 1, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội bức xúc.

Vườn hoa 1-6, “lá phổi xanh” của người dân phường Quang Trung, quận Đống Đa


Chung một nỗi lo

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, theo ghi nhận của cơ quan y tế, những lần địa bàn Hà Nội bùng phát dịch bệnh, như sốt xuất huyết, phường Quang Trung đều có tên trong “danh sách đỏ”. Năm 2008, vườn hoa 1-6 được xây dựng, tạo khoảng không gian quý giá cho người dân các phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt. Tuy nhiên không vì thế mà nguy cơ phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh giảm đi. Đi dạo cùng ông Tâm trong khuôn viên vườn hoa 1-6, đập vào mắt chúng tôi là bức tường gạch xuống cấp của bệnh viện Đống Đa. Tuyến đường nội bộ khu dân cư của các phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa chạy quanh bức tường này và kề đó là hàng trăm hộ dân sinh sống. “Mưa lớn, không chỉ bệnh viện ngập và các khu dân cư giáp ranh cũng tràn nước. Nước ngang bụng”, ông Tâm thông tin. Điều đáng lo ngại nhất là trong nước ngập gồm cả nước cống, nước sinh hoạt từ các hộ dân và nước từ… bệnh viện Đống Đa tràn ra.

Chợt nhớ câu chuyện với Tiến sỹ Lê Hưng - Giám đốc bệnh viện đa khoa Đống Đa: “Bệnh viện mới chỉ xử lý được chất thải rắn, bằng cách phối hợp với công ty vệ sinh môi trường vận chyển hàng ngày đến nơi tiêu hủy. Còn chất thải lỏng, nước thải, phần lớn buộc phải cho chảy thẳng ra cống thoát nước của thành phố”. Mầm bệnh là đây. Nguy cơ dịch bệnh có  nguyên nhân là bệnh viện không có trạm xử lý nước thải.

Cách không xa bệnh viện Đống Đa có 2 ngôi trường bậc mầm non, là trường Quang Trung và trường dân lập Minh Hải. Trường Mầm non Quang Trung là cơ sở 2, điều kiện vật chất còn khó khăn nên nỗi lo về nước thải bệnh viện tràn ra luôn thường trực. Song trường Mẫu giáo Minh Hải, cơ sở giáo dục 2 tầng khang trang hơn, cũng chẳng đỡ lo hơn.

Gặp cô Nguyễn Kim Thư, giáo viên lớp mẫu giáo nhỡ của trường Minh Hải khi cô đang dẫn tốp con trẻ đi bộ từ trường ra vườn hoa 1-6; điều khiến chúng tôi lấy làm lạ là vừa đi, cô giáo trẻ ấy vừa đưa ánh mắt băn khoăn về phía bức tường của bệnh viện Đống Đa. Hỏi chuyện, cô Thư tâm sự: “Tôi phải để ý nước từ bệnh viện bắn ra đường, tránh cho các con bị ảnh hưởng. Hôm nay không mưa, đường không ngập còn đỡ. Những hôm mưa dài ngày, kế hoạch học tập của cô trò đều bị ảnh hưởng, vì đường ngập”. Cô Thư bảo, vi khuẩn, chất độc hại của bệnh viện nếu phát tán ra ngoài, con trẻ dễ bị ảnh hưởng nhất, bởi sức đề kháng kém. Điều nguy hại là những vũng nước trông thấy còn có thể tránh được; còn đối với vi khuẩn vô hình, hay ảnh hưởng từ nguồn nước, sẽ rất khó tránh.

Những thông số… báo động

Theo đánh giá của các Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Y tế, thì bệnh viện là một trong những cơ sở bắt buộc phải có trạm xử lý nước thải, chất thải. Bởi, môi trường bệnh viện luôn chứa, tiềm ẩn những vi khuẩn, mầm bệnh rất dễ lây lan. Đối với bệnh viện Đống Đa, nguy cơ này tăng gấp bội, bởi cơ sở y tế này đang là đơn vị đầu ngành điều trị bệnh truyền nhiễm của Hà Nội; cũng như khám, điều trị và tư vấn sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS toàn thành phố.

Hiện, nước thải từ các nhà vệ sinh, nước thải trong nhà tắm, nước rửa tay, rửa sàn không được thu gom riêng mà đang xả thẳng ra các cống thoát nước mặt. Tiến sỹ Lê Hưng buồn bã: “Qua các đợt kiểm tra của các ngành chức năng, chất lượng nước thải ra môi trường của bệnh viện Đống Đa luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép khá lớn, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng do bị hòa tan và nhiễm các chất độc hại có trong chất thải bệnh viện”. Chất thải của bệnh viện Đống Đa bị phát hiện có chứa các vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, phần lớn là thủy ngân từ nhiệt kế và bạc trong quá trình tráng, rửa phim X-quang, dư lượng hóa chất. Bên cạnh đó, việc xả chất thải lâm sàng chung với chất thải thông thường đã và đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm trong và ngoài bệnh viện.

Những hành vi, ý đồ cản trở dự án xây trạm xử lý nước thải cho bệnh viện đa khoa Đống Đa quả thực rất khó chấp nhận, bởi nó bất chấp sức khỏe của người dân. Chưa kể đến việc, những ý đồ đó đã vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Điều 7, khoản 15 của Luật quy định rõ hành vi vi phạm là “Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường”. Đã đến lúc công trình mang lại lợi ích cho người dân này phải được khởi công để cuộc sống của người dân quanh bệnh viện Đống Đa, của bệnh nhân đang điều trị và của các y, bác sỹ, tốt đẹp hơn.

Nếu cần đóng góp, chúng tôi xin sẵn sàng

Xây trạm xử lý nước thải cho bệnh viện Đống Đa, đó là ước nguyện chính đáng, tha thiết hàng chục năm nay của không chỉ người dân phường Quang Trung chúng tôi. Những ai đó còn cố tình cản trở dự án, hãy về cụm dân cư, về tổ dân phố để cảm nhận nỗi khổ, lo lắng của người dân. Sau mỗi trận mưa to, nước ngập cả ngày trời không rút. Nước cống, nước từ bệnh viện chảy ra, tất cả ùa vào nhà dân, vào những chỗ trũng. Sau đó là cơ man bọ gậy, muỗi. Người khỏe cũng ốm chưa đừng nói đến bệnh nhân đang điều trị. Thành phố chủ trương xây trạm xử lý nước thải cho bệnh viện Đống Đa, chúng tôi mừng lắm. Nếu cần phải đóng góp, chúng tôi xin sẵn sàng, chỉ mong dự án sớm triển khai.

(Ông Phạm Ngọc Long, nhà ở tổ dân phố 29 phường Quang Trung, Đống Đa) 
Mỗi ngày, lượng chất thải của bệnh viện Đống Đa lên đến 80m3; là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, cán bộ nhân viên bệnh viện, người dân. Việc xây dựng trạm xử lý nước thải tại bệnh viện đa khoa Đống Đa là một nhu cầu cấp bách nhằm giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây dịch bệnh…

(Trích báo cáo đánh giá của phòng nghiệp vụ - Sở Y tế Hà Nội)