Không dừng tất cả dự án nhà thương mại

ANTĐ - Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng 2030 đưa ra vấn đề tạm ngừng cấp phép đối với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết: “Việc tạm dừng chỉ xem xét đối với một số dự án, không tạm dừng tràn lan. Những dự án có đủ điều kiện phát triển theo quy hoạch, đáp ứng cung cầu thì TP vẫn khuyến khích”.

Các dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch vẫn được khuyến khích

Không dừng tràn lan

Ngày 3-7, HĐND TP đã thảo luận về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện xóa bao cấp về nhà ở, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm.

Chương trình cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,1m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu là 6,5m2/người), trong đó khu vực đô thị là 26,6m2/người, khu vực nông thôn là 20m2/người. Dự kiến thực hiện 1,1 triệu m2 nhà ở đáp ứng 15.500 căn hộ cho người có thu nhập thấp mua, thuê và thuê mua... 

Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm là việc tạm ngừng chưa xem xét đề xuất một số dự án phát triển nhà ở thương mại đến năm 2015. ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh nêu ý kiến: “Đề nghị UBND TP làm rõ tiêu chí, khu vực tạm ngừng”. Việc tạm dừng phát triển nhà ở thương mại sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển nhà ở trong giai đoạn 2012-2015. Ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng đã tiếp thu và có ý kiến giải trình: “Kiểm tra mới nhất cho thấy sự mất cân đối trong cơ cấu nhà, trong đó số lượng nhà ở thương mại đang thừa. Vì vậy mới đưa ra đề xuất tạm dừng, chưa xem xét đề xuất một số dự án”. 

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, Thủ tướng đang giao Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí xem xét dừng, giãn hoãn các dự án, đặc biệt là các dự án thương mại. TP sẽ xem xét việc dừng các dự án nhà ở thương mại trong khu vực nội đô, sát nội đô, còn các dự án khác đang thực hiện không ảnh hưởng đến vấn đề tăng dân cư, đáp ứng được cung và cầu thì TP vẫn cho phát triển. 

Sau phần giải trình này, các ĐB đã thông qua nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, với tỷ lệ tán thành 88,4%.

Người dân được góp vốn cải tạo chung cư

Cũng trong phiên họp sáng qua, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà ở xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, TP sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng lại các khu tập thể nguy hiểm mức độ C, D. 

Hiện nay, nhiều khu chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho một số nhà đầu tư thực hiện công tác điều tra xã hội học, khảo sát hiện trạng… đề xuất phương án quy hoạch cải tạo trong thời gian qua. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thực tế hiện nay cho thấy, để có thể thực hiện được công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cải thiện lại điều kiện ở của người dân đô thị, UBND TP Hà Nội đề xuất 4 nhóm biện pháp. Trong đó, cho phép người dân trong phạm vi dự án sẽ cùng tham gia đầu tư theo phương thức góp vốn bằng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Khi triển khai lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tạm cư, tái định cư phải tuân thủ nguyên tắc xác định giá trị quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu căn hộ sát giá thị trường trong điều kiện bình thường.  

Chiều 3-7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cụ thể tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn; Nghị quyết về việc ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ ở ngoại thành.