Không dựa vào dân, cảnh sát khu vực sẽ khó "tròn vai"

ANTD.VN - Thiếu tá Lê Thanh Hùng, Phó trưởng CAP Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói ấy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi khi chia sẻ về nghề nghiệp mình đã chọn. Gần 20 năm khoác màu áo xanh, 11 năm anh đã gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ”.

Trong những tháng ngày làm CSKV, anh đã dũng cảm tấn công trấn áp tội phạm, để lại một vết thương nay vẫn còn dấu tích trên tay. Thiếu tá Lê Thanh Hùng được xếp thương binh loại A.

Không dựa vào dân, cảnh sát khu vực sẽ khó "tròn vai"  ảnh 1Ở vị trí chỉ huy, Thiếu tá Lê Thanh Hùng (bên trái) vẫn nhiệt tình với công tác Cảnh sát khu vực, giúp đỡ khi người dân cần đến

Đối mặt hiểm nguy

Một ngày cuối tháng 11-2012, đồng chí Lê Thanh Hùng lúc đó là Đại úy cảnh sát khu vực tổ dân cư số 2, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Anh đang trên đường đưa vợ về quê bất ngờ nhận được tin báo của người dân về việc một ổ nhóm trộm cắp xe máy đang mang “chiến lợi phẩm” về khu vực đầm hoang thuộc ngách 378/91 phố Thụy Khuê để “tháo gỡ”, tẩu tán tài sản. Anh Hùng đã động viên vợ về quê một mình để anh quay lại “xử lý” lũ trộm. Biết tính chồng, có cản cũng không được, chị đành để anh quay lại làm nhiệm vụ. 

Lê Thanh Hùng về phường thay sắc phục, xin chi viện từ lực lượng hình sự CAP Bưởi và cùng đồng đội quay lại đầm hoang. Khi các anh đến nơi đã phát hiện nhóm 4 người, trong đó có 1 phụ nữ đang lúi húi tháo lắp BKS chiếc xe máy Honda Wave. Thực hiện đúng nghiệp vụ công tác CSKV, Thiếu tá Lê Thanh Hùng đã yêu cầu kiểm tra hành chính nhóm người trên. Không những không chấp hành, một nam thanh niên lập tức rút ra 2 con dao phóng lợn, chém vào cổ tay Thiếu tá Lê Thanh Hùng. Máu chảy loang bàn tay anh, nhỏ giọt xuống bãi đất.

Trước hành động côn đồ hung hãn của đối tượng, dù đã bị thương nhưng Thiếu tá Lê Thanh Hùng vẫn cùng đồng đội triển khai đội hình áp sát, đồng thời kêu gọi nhân dân giúp đỡ nhanh chóng khống chế đối tượng. Kẻ gian bị bắt giữ kịp thời. Thiếu tá Lê Thanh Hùng đã bị đối tượng chém đứt gân tay trái, đứt động mạch, được đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. 3 năm sau ngày xảy ra vụ việc, Thiếu tá Lê Thanh Hùng mới được công nhận là thương binh theo quy định Nhà nước.

Với chiến công này, cùng với 5 năm liên tiếp là chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2013, Thiếu tá Lê Thanh Hùng vinh dự được nhận giải thưởng 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô  xuất sắc tiêu biểu. Bên cạnh đó, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và hàng chục Giấy khen của Giám đốc CATP Hà Nội. Thiếu tá Lê Thanh Hùng cho biết, những thành tích được các cấp lãnh đạo ghi nhận và khen thưởng là một niềm vinh dự nhưng với cá nhân mình được nhân dân tin yêu mới là sự tuyệt vời nhất.

7 năm không đổi địa bàn

Trưởng thành từ một người lính nghĩa vụ, năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường Trung học CSND chuyên ngành quản lý hành chính, Thiếu tá Lê Thanh Hùng về nhận nhiệm vụ tại CAP Bưởi, quận Tây Hồ. 2 tháng đầu tiên, anh thuộc biên chế tổ hình sự.

Nhưng sau đó, chỉ huy CAP Bưởi quyết định phân công anh về làm việc tại tổ CSKV. Khu dân cư số 2 nơi anh được giao nhiệm vụ có thể nói là điểm “nóng” nhất của phường Bưởi thời điểm ấy. Hơn 100 đối tượng hình sự, ma túy, trong đó có nhiều đối tượng trọng điểm về ma túy sinh sống trên địa bàn. Khu vực anh phụ trách có 7 tổ dân phố với hơn 2.800 nhân khẩu. Lúc ấy, đường ven hồ Tây chưa được thông tuyến như bây giờ, lợi dụng ngõ cụt, các đối tượng thường sử dụng làm nơi tập kết hút chích, trộm cắp. 

Tiếp nhận một khu dân cư phức tạp, Thiếu tá Lê Thanh Hùng xác định phải dựa vào dân là chủ yếu. Anh chia sẻ, các lực lượng khác của công an cơ sở như hình sự, trật tự làm việc thường có tổ công tác đi từ 3 người trở lên, nhưng CSKV hoạt động đơn tuyến, một mình một trận địa. Nếu không dựa vào dân, người CSKV sẽ không làm tròn vai. Nhưng muốn được dân giúp đỡ, phải gần gũi, giúp đỡ dân một cách nhiệt tình nhất, luôn đặt mình vào vị trí người dân để giải quyết công việc.

Anh luôn tự nhủ, không phải khi nào có việc mới có mặt ở địa bàn mà phải có mặt mọi lúc, mọi nơi, tuần tra thường xuyên để ngăn chặn kịp thời các đối tượng phạm pháp, còn nhân dân thì tin tưởng coi mình như người nhà. 

Chẳng thế mà mỗi khi hay tin “chú Hùng” sắp chuyển địa bàn, đại diện các tổ dân phố lại làm đơn gửi chỉ huy CAP Bưởi xin Thiếu tá Lê Thanh Hùng tiếp tục theo dõi khu dân cư số 2.

Từ ngày đầu tiên nhận địa bàn, đến khi anh được phân công về làm Phó trưởng CAP Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, anh chưa một ngày vắng bóng tại khu dân cư số 2 phường Bưởi. Thậm chí khi hay tin một bà cụ trong địa bàn mình phụ trách qua đời, lúc đó anh đang điều trị tại bệnh viện vì vết dao chém của đối tượng, người dân vẫn thấy anh quấn băng trắng ở cổ tay, ngồi sau xe máy đồng đội, mặt xanh xao đến tiễn đưa bà cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ những người CSKV tâm huyết với nghề, với công việc của mình mới làm được điều giản dị nhưng vô cùng cao quý ấy.

Giờ đây, “công dân danh dự khu dân cư số 2” - cái tên trìu mến mà người dân đặt cho Thiếu tá Lê Thanh Hùng đã trở thành người chỉ huy lực lượng CSKV của CAP Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.

Vẫn giữ trong mình nhiệt huyết với công việc, anh tận tình truyền hết kinh nghiệm cho các CSKV đang công tác tại CAP Phương Canh. Anh luôn nhắc mình và đồng đội phải đặt mình vào vị trí người dân để giải quyết công việc.

Dù là người chỉ huy, để tránh cho việc người dân phải đi lại nhiều lần, trong ca trực, nếu người dân có yêu cầu xác nhận nhưng không có mặt CSKV, Thiếu tá Lê Thanh Hùng sẵn sàng mở tra cứu dữ liệu dân cư để xác nhận cho người dân.

Chỉ huy tin tưởng, nhân dân tin yêu, quả là những phần thưởng vô giá với người thương binh Lê Thanh Hùng.