Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Không đồng tình thu thêm phí điện lực

ANTĐ - Ngày 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật. Về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về phí điều tiết hoạt động điện lực, Thường trực ủy ban KH-CN&MT cho rằng, không nên thu loại phí này, vì điều tiết điện lực là hoạt động quản lý Nhà nước, phải được ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Chưa có thị trường cạnh tranh đầy đủ không nên thu thêm phí

Sẽ thêm Quỹ phòng chống thiên tai?

Liên quan tới dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thẳng: “Tôi chưa hài lòng với bản dự thảo này. Đây là một kiểu “luật kể việc”. Liệt kê ra rồi, nhưng không thể hiện phải xử lý vấn đề đó như thế nào, không xử lý thì ai chịu trách nhiệm? Thảm họa lớn thì ứng phó thế nào?”. 

Về Quỹ phòng chống thiên tai, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa hỏi: “Nếu coi đây là một khoản đóng góp bắt buộc giống như một loại thuế thì có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành hay không”?. Ông Phùng Quốc Hiển thì không đồng tình với việc lại “đẻ” thêm ra một loại quỹ nữa, làm cho nguồn lực quốc gia bị phân tán, trong khi nhân dân vẫn phải đóng góp nhiều. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ủng hộ việc thành lập Quỹ nhưng yêu cầu quy định ngay vào luật việc giảm trừ với hộ nghèo. Ông lưu ý thêm: “Sau thiên tai, hỗ trợ giống, vật tư, trang thiết bị, nguyên liệu là đúng rồi, nhưng thực tiễn cho thấy sẽ phải xử lý nợ quá hạn nữa. Hiện nay, vẫn phải chờ Chính phủ hướng dẫn theo vụ việc, nay quy định vào luật luôn thì có cơ sở để thực hiện ngay”. 

Một số thành viên UBTVQH yêu cầu dự thảo luật xác định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước cũng như vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong ứng phó với thiên tai. Đặc biệt, phải làm rõ cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân, từ khâu dự báo, thông tin, áp dụng các biện pháp ứng phó...

Không thu phí điều tiết điện lực

Liên quan đến những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị UBTVQH cho ý kiến về việc nên hay không nên quy định về giá phân phối điện vào luật này. Ông cho biết: “Đa số ý kiến Thường trực UB KH-CN&MT thống nhất như quan điểm trình của Chính phủ, theo đó nên quy định vào luật để hạn chế sự độc quyền”.  

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về phí điều tiết hoạt động điện lực. Thường trực UB KH-CN&MT cho rằng, không nên thu loại phí này, vì điều tiết điện lực là hoạt động quản lý Nhà nước, phải được ngân sách Nhà nước đảm bảo. Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tới đây, Cục Điều tiết điện lực sẽ tách ra, không trực thuộc Bộ Công Thương để vận hành thị trường điện cạnh tranh một cách khách quan, hiệu quả. Thứ trưởng nói: “Đây là một loại phí mới, thu từ các đơn vị tham gia thị trường điện lực, tùy thuộc vào sản lượng điện giao dịch trên thị trường. Nếu được chấp thuận thì Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức phí cụ thể”. 

Về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chưa hết lo lắng: “Thu phí điều tiết điện lực để chi vào những việc gì? Thu phí thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải gánh”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng tình đặt ra thêm loại phí này: “Trong điều kiện nước ta chưa có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ thì không nên đặt ra vấn đề đó”. Về giá phân phối điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Nhà nước chỉ nên quy định các “đầu chặn” (giá phát điện, truyền tải điện…) và các “đầu chặn” này đã có trong Luật Giá. Do vậy, Luật này không cần thiết quy định chi tiết giá phân phối điện từ khâu này đến khâu kia.