Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài:

Không di chuyển, chủ đầu tư còn đòi tăng giá vé quá quy định

ANTĐ - Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8- chủ trạm phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ  Tài chính kiến nghị tăng mức phí cơ bản lên 2 lần thay vì 1,5 lần theo quy định của hợp đồng (xe 12 chỗ ngồi trở xuống thu  20.000 đồng/ lượt thay vì 10.000 đồng như hiện nay).

Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài đã nhiều lần được kiến nghị xóa bỏ, hoặc chuyển vị trí

Báo cáo lên Bộ GTVT về kiến nghị trên của Vietracimex8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, theo hợp đồng BOT được ký giữa Tổng cục Đường bộ với Vietracimex8, mức phí 2 năm đầu bằng mức quy định tại Thông tư 90/2004/TT- BTC (10.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ ngồi), từ năm thứ 3 (tức năm 2014) được tăng 1,5 lần so với quy định. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh mức thu phí tăng lên 20.000 đồng/ lượt với xe dưới 12 chỗ ngồi, bằng 2 lần quy định so với Thông tư 23/2011/TT-BTC là không đúng quy định trong hợp đồng đã ký.

Điều đáng nói, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có kiến nghị di chuyển trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài về QL2. Hiện nay, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài do UBND TP Hà Nội quản lý (từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực). Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT xóa bỏ hoặc chuyển vị trí trạm thu này vì không phù hợp với các dự án BOT (thu phí trên tuyến đường được trực tiếp đầu tư). Hà Nội cho rằng, việc di chuyển trạm thu phí này phù hợp với công tác quản lý hạ tầng và tránh ùn tắc giao thông vì Trạm nằm trên tuyến cửa ngõ nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô. Hơn nữa, theo Sở GTVT Hà Nội, trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài hiện được thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trong khi các phương tiện không lưu thông qua tuyến đường này nhưng lại phải trả phí để hoàn vốn là không hợp lý.

Trao đổi về đề xuất của Vietracimex8 cũng như vấn đề di chuyển trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, việc tăng giá vé tại trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài được thực hiện theo lộ trình của hợp đồng BOT mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với Vietracimex 8. Thậm chí, nếu có di chuyển trạm này về vị trí mới (QL2) thì việc tăng giá vé vẫn sẽ thực hiện theo đúng lộ trình hợp đồng.

“Bộ GTVT cũng đồng tình với Hà Nội về chủ trương di chuyển trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài về QL2. Tuy nhiên hiện tại, chủ đầu tư chưa đồng ý vì cho rằng khả năng thu hồi vốn sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi. Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư để tiến tới một thỏa thuận chung”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. Nếu sau đàm phán mà vẫn không di chuyển trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài về QL2 thì việc giá vé thu tại đây cần phải thực hiện theo hợp đồng đã ký kết cũng như các quy định chung.