Không để tuổi mới lớn “tự bơi” trong… ác mộng

ANTĐ - Giáo dục sức khỏe sinh sản cho con ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có kiến thức và kỹ năng để hướng dẫn con đầy đủ và khéo léo. Trước khi “vẽ đúng đường cho hươu chạy”, nhiều cha mẹ cần bổ sung kiến thức cho mình. 

Giáo dục sinh sản rất cần thiết với các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời

Ác mộng tuổi dậy thì

Em Nguyễn Minh Q. (lớp 9, trường THCS Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vẫn còn ám ảnh về cơn ác mộng của mình. Bố mẹ chỉ khuyên răn em học hành thật giỏi nên em cũng chỉ biết học. Em không hề được ai hướng dẫn về sức khỏe giới tính, những tiết Sinh học lướt qua chỉ cho em vài kiến thức mơ hồ về cấu tạo cơ thể. Có vài lần em tò mò hỏi về “bọn con gái” nhưng mẹ em đều mắng át đi, rằng “con còn bé, việc quan trọng nhất là học hành, đừng tìm hiểu mấy chuyện hư hỏng đó”. Vì thế, sau này, dù có thắc mắc muốn hỏi nhưng em đều không dám. 

Cách đây gần 1 năm, khi học lớp 8, em thấy cơ thể thay đổi rất nhiều, cao nhanh, giọng ồm ồm và có lông mọc ở nhiều nơi. Bố mẹ cho biết em đã dậy thì, sắp thành đàn ông. Tuy nhiên, một buổi sáng trở dậy, em thấy quần bị ướt và có chất màu trắng. Q. đã hốt hoảng nghĩ rằng mình bị “chảy máu trắng” và có thể chết. Nhưng Q. sợ, không dám chia sẻ với bố mẹ, tự sống trong đau khổ, căng thẳng. Chịu đựng “cái chết trắng” một thời gian dài, đến khi tham gia một lớp ngoại khóa về giới tính, Q. mới hiểu đó chỉ là mộng tinh - dấu hiệu của tuổi dậy thì. “Em đã muốn òa khóc vì vui sướng. Đã có lúc em chỉ muốn chết vì không muốn bị bệnh tật dày vò. Em đã suýt chết không phải vì “chảy máu trắng” mà vì đã “trắng” kiến thức sơ đẳng như vậy” - Q. tâm sự. 

Khảo sát nhanh về thực trạng sức khỏe sinh sản vị thành niên do Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số CCIHP thực hiện năm 2014 trên gần 250 học sinh THCS tại 2 trường Hà Nội cho thấy, gần 70% học sinh khẳng định cha mẹ chưa từng có bất kỳ cuộc nói chuyện nào với mình về giới tính, sức khỏe sinh sản trong vòng 1 năm qua. Bà Lê Thị Lan Anh - chuyên viên CCIHP cho biết: “Trong việc giáo dục giới tính, cha mẹ né tránh, nhà trường thờ ơ nên trẻ em đơn độc “tự bơi” và xảy ra nhiều “tai nạn” do hiểu biết không đầy đủ”. Trong khi đó một vài kiến thức về sức khỏe sinh sản được lồng ghép trong các tiết Sinh học hay Giáo dục công dân chỉ giới thiệu sơ qua về “cấu tạo cơ thể” mà chưa cung cấp kiến thức cụ thể về các vấn đề các em gặp phải khi đến tuổi dậy thì, kể cả chuyện tình yêu hay tình dục. Thậm chí, cha mẹ cũng sống bằng “bản năng” và “kinh nghiệm truyền miệng” nên rất mù mờ về kiến thức sức khỏe giới tính, có muốn dạy con cũng chẳng biết làm thế nào nên thường ngại ngần, xấu hổ, mắng át đi cho qua chuyện. 

Cha mẹ phải học trước khi dạy con

Chị Phạm Mai Chi (đường Lạc Long Quân, Hà Nội)  rất chăm chỉ tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức sức khỏe sinh sản và kỹ năng trò chuyện với con của CCIHP. Chị Chi cho biết, chị có con trai 16 tuổi và con gái 10 tuổi. Từ khi con 5-7 tuổi, chị Chi đã rất băn khoăn làm thế nào để chia sẻ với con về kiến thức giới tính. Đối với con trai, chị thường nói với con những dấu hiệu dậy thì từ hồi bé và cùng con “khám phá” sự thay đổi của cơ thể. Còn với con gái, chị chỉ cần gợi lại những kỷ niệm của mình hồi trẻ là con gái sẽ “tiếp kênh” ngay lập tức. “Tuy nhiên, tôi vẫn thấy lo sợ khi con trai tôi có người yêu, có thể cháu sẽ có quan hệ tình dục với bạn gái. Tôi rất muốn cũng cấp cho cháu đủ kỹ năng để cháu trải qua lần quan hệ tình dục đầu tiên một cách tự tin, hạnh phúc, để cháu không gặp phải những kỷ niệm buồn phiền, những gánh nặng như bạn gái mang thai ngoài ý muốn, bệnh tật hay thiếu tự tin vì không có kỹ năng”, chị Chi tâm sự. 

Còn anh Nguyễn Mạnh Tuấn (đường Nguyễn Lương Bằng) cũng bối rối khi nghĩ đến việc phải nói chuyện với con trai về sức khỏe giới tính. “Con tôi mới chỉ mọc vài cái mụn trứng cá là tôi đã thấy lo sợ rồi chứ đừng nói đến chuyện cháu sẽ mộng tinh hay có bạn gái. Xưa nay tôi cứ lấy vợ, có con theo bản năng. Giờ không đi học thì lấy đâu kiến thức để trò chuyện với con” - anh Tuấn cho biết. Theo anh Tuấn, thà cha mẹ “vẽ đường” rõ ràng để con “thênh thang mà bước” còn hơn để con trẻ lén lút tìm hiểu. “Khi các cháu không còn tò mò nữa thì các cháu sẽ hướng đến những điều lành mạnh hơn” - anh Tuấn chia sẻ.  

Theo ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) nhận định: “Người lớn khi chia sẻ với nhau, thậm chí giữa hai vợ chồng mà còn e ngại, nói gì đến việc “nói bô bô” với mấy đứa trẻ. Vì thế, nếu coi sức khỏe sinh sản là một môn khoa học thì các em sẽ được giáo dục bài bản, nghiêm túc lắng nghe, chia sẻ. Đã đến lúc Nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, khoa học về giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh và đưa vào Nhà trường như một môn học chính thức”.

Gần 3% trẻ em gái dưới 15 tuổi bị lạm dụng tình dục, thường là do những người thân quen của gia đình. Nhưng đa số các em đã không hề nhận thức được là mình bị lạm dụng cho đến khi người lớn vô tình phát hiện và gặng hỏi. Nếu có kiến thức về sức khỏe sinh sản, trẻ em sẽ tự ý thức được bản thân, tránh bị lạm dụng.