Không để trẻ bị vạ lây

ANTĐ - “Chuyện của người lớn, nhưng lại mang trẻ con ra để gây sức ép nhằm đạt mục đích là việc làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách và tâm lý của trẻ” - Đó là khẳng định của PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đối với một số vụ ép trẻ phải nghỉ học thời gian qua.

Không để trẻ bị vạ lây ảnh 1
- PV: Người ta thường nói “chuyện trẻ con mất lòng người lớn”, nhưng trên thực tế, không ít trẻ lại bị vạ lây từ những mâu thuẫn của ông bà, cha mẹ mình. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Chưa cần biết ai đúng, ai sai, bất luận những phản đối của người dân ở Ninh Hiệp thế nào, nhưng có thể thấy rõ việc học tập của những đứa trẻ đã bị gián đoạn, đặc biệt là trong thời điểm kỳ thi kết thúc học kỳ I đang đến gần. Tuy vậy, điều khiến tôi lo lắng hơn cả chính là sự ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý ở trẻ khi chứng kiến những ứng xử tiêu cực từ phía người lớn. Sự tổn thương về tâm lý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của chúng sau này, tương tự như việc chúng buộc phải chứng kiến bố mẹ đánh, cãi chửi nhau trong gia đình.

Không để trẻ bị vạ lây ảnh 2

Cũng như bao em nhỏ khác, với các em trường Tiều học Ninh Hiệp, mỗi ngày đến trường thực sự là một niềm vui

- Không ít bậc cha mẹ nghĩ rằng, họ có công sinh con ra thì có quyền bắt chúng làm mọi việc theo ý mình, không ai có quyền can thiệp. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

- Đây là suy nghĩ khá phổ biến. Điều này xuất phát từ sự hạn chế trong hiểu biết pháp luật của nhiều bậc phụ huynh. Đó là biểu hiện của việc cha mẹ lựa chọn, quyết định thay con mọi vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của trẻ mà không cần biết suy nghĩ của chúng ra sao. Họ không biết rằng sự áp đặt, ép buộc con cái của họ trong nhiều trường hợp là hành vi vi phạm quyền trẻ em, có thể bị xử lý nghiêm khắc. 

Việc lôi con trẻ vào những việc của người lớn, đặc biệt là việc cho trẻ nghỉ học đồng loạt là cách làm khá ấu trĩ, kém hiệu quả, cho dù việc làm đó lấy danh nghĩa hoặc bị ngụy biện làm như vậy nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ. Hơn nữa, khi có sự bất đồng tại địa phương, người dân có nhiều  biện pháp để giải quyết bất đồng đó như làm đơn kiến nghị hoặc đối thoại trực tiếp với chính quyền cơ sở hoặc cấp trên cơ sở, để tìm ra tiếng nói chung thay vì lôi con trẻ ra để tạo sức ép. 

- Theo ông, những ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với trẻ sau những sự việc này là gì?

- Người lớn là tấm gương để trẻ soi vào, để bắt chước, học theo. Những sự việc trên dễ khiến trẻ coi việc học không có ích lợi gì, chỉ là thứ để đem ra mặc cả, làm điều kiện nhằm thỏa mãn yêu sách của bản thân nên trẻ dễ nảy sinh suy nghĩ việc học có thể gián đoạn bất cứ lúc nào, đồng thời sẵn sàng bỏ học khi thấy nhu cầu không được đáp ứng. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tính cách, hành xử của trẻ sau này, là cơ sở để hình thành trong chúng sự bất mãn, chống đối. Chưa kể đến việc, khi không chịu sự quản lý giáo dục từ phía nhà trường, trẻ rất dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, sa vào những tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, dưới sự ép buộc, thể hiện quyền lực từ phía người lớn, trẻ sẽ không được biểu đạt ý kiến, nguyện vọng cá nhân, lâu dần rơi vào trạng thái bị động, mất khả năng tự quyết định dẫn tới bị phụ thuộc. Bên cạnh đó, những suy nghĩ của trẻ về thầy cô, nhà trường cũng sẽ bị biến dạng, không còn sự tôn trọng, kính phục, yêu mến như ban đầu. 

- Vậy ông có lời khuyên gì đến các bậc phụ huynh?

- Việc người lớn lấy trẻ con ra làm bình phong để gây sức ép với chính quyền là cách hành xử nông nổi và trái pháp luật. Chính họ là người phải chịu trách nhiệm khi để tương lai con em mình bị ảnh hưởng bởi sự ích kỷ, hơn thua của bản thân. Do vậy, khi có bất cứ mâu thuẫn gì trong xã hội cũng như trong cuộc sống, những bậc làm cha làm mẹ cần phải bình tĩnh ngồi lại thương thảo với các bên liên quan để tìm ra hướng giải quyết, không nên dùng việc học tập của con mình để gây áp lực khiến trẻ bị vạ lây.

- Xin cảm ơn ông!

Hành vi bị nghiêm cấm

Theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc phụ huynh ép con em mình nghỉ học vì bất cứ lý do gì là không thể chấp nhận được và có thể vi phạm pháp luật. Trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, “cản trở việc học tập của trẻ em” là hành vi bị nghiêm cấm. Luật Giáo dục Việt Nam quy định: Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường.

Ngoài ra, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học. Còn theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, những người có hành vi cản trở việc đi học của người học ở các cấp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng với hành vi xúi giục không đi học, bỏ học; Còn với hành vi cản trở việc đi học, mức phạt tiền được nâng lên, từ 500.000-1.000.000 đồng.