Không để tiền ứ đọng

ANTĐ - Trong báo cáo gửi lên Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dành một phần khá dài để nói về lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 6-9%/năm, cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm. Các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm. Trong khi doanh nghiệp vẫn mong lãi suất trung và dài hạn giảm tiếp, các ngân hàng lại cho rằng dù đang thừa tiền mặt, nhưng vốn dài hạn vẫn... hụt hơi.

Mục tiêu kéo giảm lãi suất trung-dài hạn đã được NHNN đặt ra từ lâu. Chính phủ cũng đã yêu cầu ngân hàng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay này xuống 1-1,5%/ năm bằng biện pháp thị trường, nhưng tốc độ giảm rất chậm.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, giới doanh nghiệp đang “đỏ mắt” mong giảm lãi suất trung-dài hạn. Từ đầu tháng 4, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động thêm 1%/năm, song lãi cho vay vẫn giảm chậm. Lãi suất cho vay trung-dài hạn vẫn còn cao, nếu thấp hơn 9%/năm thì doanh nghiệp mới dám nghĩ đến chuyện vay để đầu tư. Điều mà doanh nghiệp e ngại là tính ổn định lãi suất cho cả vòng đời dự án. Trong khi đó, chưa hết quý đầu năm mà NHNN đã thả nổi lãi suất thì doanh nghiệp không dám vay.

Hơn thế, các chuyên gia nhận xét, các ngân hàng đang sử dụng nhiều thủ thuật để chặn đà giảm lãi suất. Khi phân tích kỹ sẽ thấy một hiện tượng lạ trên biểu lãi suất huy động của các ngân hàng, đó là lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cao hơn nhiều so với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng. Việc neo lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở mức cao là cách để ngân hàng neo lãi suất các hợp đồng cũ ở mức cao. Lý giải hiện tượng này, tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, lãi suất huy động giảm khiến người dân thích gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao, đặc biệt khi lãi suất gửi dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn 1-1,5%/năm. Ngân hàng bắt buộc phải neo lãi suất cho vay cao để không bị lỗ.

Trong bối cảnh các ngân hàng phải cạnh tranh cho vay và vốn trên thị trường đang dư thừa thì ngân hàng buộc phải giảm lãi suất, chứ vẫn neo cao sẽ không có doanh nghiệp nào dám vay. Một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng phải ấn định một mức lãi suất đủ để bù đắp rủi ro. Song, nên nhớ rằng hiện nay doanh nghiệp có quyền lựa chọn. Ngân hàng không còn ở cái thế một mình một chợ. Ngăn ngừa rủi ro là rất cần thiết, nhưng không có nghĩa là để tiền ứ đọng trong khi doanh nghiệp đang “khát” vốn làm ăn.