Không để tái diễn thảm họa

ANTĐ - An ninh hạt nhân luôn là vấn đề nóng bỏng với thế giới sau các thảm họa hạt nhân Chernobyl, Fukushima và đặc biệt là 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Trung Quốc là một trong những quốc gia không ngừng gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3 diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-3 tại La Hay, Hà Lan với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên khai mạc Hội nghị sẽ có bài phát biểu quan trọng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. 

Sau hai hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất và thứ hai tại Mỹ và Hàn Quốc vào các năm 2010 và 2012, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh cả thế giới phải đối phó với những thách thức lớn toàn cầu về vấn đề khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân. Vì thế, hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế tìm kiếm cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế nhằm đối phó với các thách thức này.

Từ nhiều năm nay, chương trình hạt nhân của các quốc gia như Iran và CHDCND Triều Tiên luôn là một trong những vấn đề nóng bậc nhất không chỉ với khu vực mà với cả thế giới. Trong khi các nước này khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ mục đích hòa bình song có không ít các quốc gia và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lại chưa thể kiểm chứng được có thực sự như vậy hay không.

Trong khi đó, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, cộng đồng quốc tế lo ngại thứ vũ khí có tính chất hủy diệt ghê gớm như vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố. Lo ngại này càng có cơ sở khi có không ít thông tin về việc những kẻ khủng bố trên thế giới đã cố sở hữu hay chế tạo những quả “bom bẩn” hạt nhân.

Song mối đe dọa lớn nhất với cuộc sống yên lành của người dân trên thế giới vẫn là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của các cường quốc hạt nhân. Cho dù Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 2 (START-II) vào tháng 4-2010 mà theo đó số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên được cắt giảm xuống dưới 1.550 song số đầu đạn hạt nhân này cũng quá đủ để hủy diệt sự sống trên hành tinh hiện nay.

Hơn thế, dù cắt giảm song kho vũ khí hạt nhân của cả Nga và Mỹ vẫn luôn được hiện đại hóa. Trong báo cáo công bố tháng 1 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Cấm phổ biến hạt nhân James Martin (CNS) có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết Mỹ sẽ chi 1.000 tỷ USD để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí trong vòng 30 năm tới.

Bên cạnh đó, theo báo cáo thường niên công bố tháng 6-2013, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, 3 cường quốc hạt nhân khác trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan thời gian qua đã liên tục gia tăng kho vũ khí của họ. Trong đó, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc tăng từ 240 năm 2012 lên 250 năm 2013, Pakistan tăng thêm khoảng 10 đầu đạn để nâng tổng số lên khoảng 100 đến 120 đầu đạn, Ấn Độ tăng thêm khoảng 10 đầu đạn với tổng số đầu đạn khoảng 90 đến 110.

Thế giới đã phải chịu dựng những tổn thất vô vùng lớn lao trong các thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, Fukushima và đặc biệt là 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Vì thế, không thể để thảm họa hạt nhân một lần nữa tái diễn vì bất cứ lý do, nguyên nhân nào.