Không để sư tử đá đồng hóa các di tích đình, chùa

ANTĐ - Theo yêu cầu của Bộ VH-TT&DL, thời hạn để di dời sư tử đá có nguồn gốc ngoại lai ra khỏi các di tích tín ngưỡng là tháng 12. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, tại nhiều di tích sư tử đá vẫn nguyên vẹn, nhe nanh vuốt trấn ở cổng đình, chùa... 

Không để sư tử đá đồng hóa các di tích đình, chùa ảnh 1Vẫn còn rất nhiều đình chùa có sư tử đá ngoại lai nhưng chưa chịu di dời

Thẩm thấu từ chuyện… rỉ tai

Cuộc hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm và dõi theo của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa. Các ý kiến tham luận đều chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của việc sư tử đá ngoại lai tràn ngập tại các đình, chùa, công sở là do sự thẩm thấu văn hóa dân gian, cho rằng nếu sở hữu con vật này thì phát tài, con vật kia thì phát lộc. 

Vẫn biết rằng, thuộc tính của văn hóa là sự giao thoa và tiếp biến. Nhưng nếu soi lại trong lịch sử từ xưa đến nay thì cuộc “đổ bộ” của sư tử đá Trung Quốc tại những nơi trang nghiêm, tôn kính được liệt vào hàng đáng sợ và khủng khiếp nhất. Bởi không hề có sự tiếp biến và Việt hóa nào, các con sư tử đá được sao chép y nguyên, giống đến từng cọng râu, ánh mắt. Những con sư tử đứng trước cửa đình chùa như những ác thú, dữ tợn, hăm dọa và đe nẹt người đến thắp hương, lễ Phật. 

Cảnh báo không thể bỏ qua

“Sư tử đá thực chất là linh vật mà người Trung Quốc dùng để canh mộ người chết nhưng lại được người Việt Nam bày ở trước các chùa tháp, công sở, thậm chí nhà riêng. Như vậy vô hình trung đã biến những nơi này thành nhà mồ của người chết” - thông tin do PGS.TS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học Việt Nam cung cấp đã làm giật mình không ít người, đặc biệt là những người có tư tưởng cầu danh. Sư tử đá canh lăng mộ của người Trung Quốc cách đây trên 2.000 năm giờ lại nghễu nghện và đầy oai phong ở mọi nơi và mặc nhiên được coi là linh vật của người Việt Nam, biến đình, chùa, công sở, nhà riêng thành ngôi nhà của người chết. Đến mức, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phải thốt lên: “Tôi ra đến Trường Sa, chùa còn chưa xây xong nhưng đã thấy ở đâu 2 con sư tử đá từ trong đất liền gửi ra. Ngày trước, những nơi nào có sư tử đá, người Việt đều hiểu rằng ở đó là hội quán của Tàu hoặc chùa Tàu. Sao giờ sư tử đá lại biến thành của người Việt Nam?”. Đau đớn hơn, việc đó đang là sự thật và đang sinh sôi phát triển ở Việt Nam như một hành động tự mình “đồng hóa” mình, tự mình “xâm lăng” mình. 

PGS.TS Tống Trung Tín chua xót: “Các bạn tôi, người Nhật Bản, mỗi khi sang Việt Nam, đi qua các di tích, nhìn thấy các sư tử đá Trung Quốc trước cửa đều hỏi tôi rằng: Đây có phải di tích của Trung Quốc không? Bản thân tôi, khi được hỏi thì vô cùng xấu hổ. Đó là hậu quả tai hại nhãn tiền của buông lỏng quản lý bấy lâu”.

Sáng tạo biểu trưng Việt Nam mới

Trước những cảnh báo của các nhà khoa học, vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có một cuộc tổng kiểm tra và đưa các linh vật ngoại lai ra khỏi đình, chùa, nhưng cuộc di chuyển này đã vấp phải vô vàn những lúng túng. Các đình, chùa, công sở không biết phải xử lý như thế nào với sư tử đá. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nên đập bỏ tất cả các linh vật ngoại lai, trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng, nên đưa vào tái chế. Vậy là, ngay cả việc tưởng như đơn giản là bỏ đi một linh vật không phù hợp với văn hóa Việt, chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng vừa hoang mang, vừa lúng túng. Theo GS.TS Vũ Minh Giang: “Văn hóa Việt vốn có tư tưởng cởi mở, tiếp thu văn hóa. Không nên nhìn nhận biểu tượng văn hóa theo dạng thô thiển, sao chép y nguyên. Bằng cái nhìn biện chứng, người Việt Nam không dừng lại ở vốn di sản cha ông mà còn phát triển, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa trong tương lai, hình thành thêm các biểu tượng mới”. 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Tống Trung Tín bổ sung: “Nếu chúng ta không nghiên cứu, không tuyên truyền tốt thì dù có đưa ra rất nhiều linh vật của Việt Nam như triển lãm linh vật Việt Nam vừa qua cũng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao. Nghĩa là chúng ta cần có nhiều biện pháp song hành: sáng tạo ra những hình ảnh đẹp của các biểu trưng Việt Nam tốt đẹp đi đôi với việc tuyên truyền cái hay, cái lợi của biểu trưng Việt Nam. Và như thế chúng ta mới có thể nối tiếp tiền nhân để 4.000 năm ta vẫn là ta đúng với bản sắc văn hóa vốn có của Việt Nam. Đó là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách và có ý nghĩa cao cả của mỹ thuật Việt Nam và khoa học Việt Nam ngày nay”.