Không dễ quản lý dạy thêm, học thêm

ANTD.VN - Bước vào năm học mới, học sinh ở Hà Nội dường như đều đã khá quen mắt và đi vào nhịp độ ổn định việc học thêm, bên cạnh học chính khóa. Trong khi đó, tại TP.HCM, ngành giáo dục đang "sôi sục" với "lệnh" cấm toàn bộ hoạt động dạy thêm trong trường học.

Rất khó đảm bảo việc dạy thêm học thêm hoàn toàn đúng quy định

Không học thêm vẫn giỏi

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, TP.HCM nghiêm cấm toàn bộ hoạt động dạy thêm trong nhà trường kể từ năm học 2016-2017, trong đó gồm cả trường hợp giáo viên dạy thêm tại nhà. Toàn bộ hoạt động dạy thêm học thêm đều phải thực hiện ở trung tâm, nơi giáo viên là người đi dạy, được trả lương.

Còn theo TS. Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ để lại một hậu quả rất xấu cho ngành giáo dục, cho chính người giáo viên. Học sinh từ bậc tiểu học đã phải tham gia học thêm tràn lan sẽ không có thời gian ăn - ngủ, mất đi tuổi thơ. Nguy hiểm hơn, với việc học thêm tràn lan, dần dần, học sinh sẽ cảm thấy ngại tự học, sợ học, cho rằng đi học sẽ là sự khổ ải, chứ không phải là niềm vui, dẫn đến học thụ động. Nguy cơ đáng lo này khiến học sinh không thể chủ động duy trì việc học tốt trong thời gian dài.

Thực tế, với rất nhiều học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi không thể có điều kiện về cả kinh tế lẫn thời gian để đi học thêm, đa số các em không đi học thêm mà chỉ tranh thủ sự hướng dẫn của thầy cô, chủ động trao đổi với bạn bè, anh chị đi trước, tự  học một cách chắc chắn kiến thức từ sách giáo khoa và tự tìm tòi tài liệu ôn thêm.

Nhiều em trong số đó vẫn đạt thành tích cao trong quá trình học tập. Đáng nói, trong số học sinh thành đạt, đỗ đại học và thậm chí giành ngôi thủ khoa trong các kỳ thi, xét tuyển đại học có không ít học sinh nghèo vốn không có điều kiện đi học thêm.

Chỉ cấm khi có tiêu cực

Tại Hà Nội, chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm đã được Sở GD-ĐT Hà Nội thể hiện trong văn bản gửi các Phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ nhắc nhở tuân thủ 12 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong đó quy định, hoạt động dạy thêm, học thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh về thời lượng, thời gian và khối lượng kiến thức. 

Hà Nội cũng nhắc nhở không được dạy thêm trước chương trình, không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của học sinh. Cùng với đó, các trường không được xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn, số giờ học thêm không vượt quá số giờ học chính khóa trong ngày...

Mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn học. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu không được ép gia đình học sinh và học sinh học thêm, học sinh chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý…

Những quy định trên khá đầy đủ cho việc quản lý dạy thêm học thêm ở Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế quản lý được đến đâu lại là vấn đề khác. Việc quy định giáo viên không được dạy thêm với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa được coi là biện pháp chống phát sinh tiêu cực, nhưng thực tế cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên đều muốn được học và dạy chính học sinh của mình. Vậy nên, dù có dạy ngoài nhà trường, không tự đứng ra tổ chức thì giáo viên vẫn hoàn toàn có thể "thu xếp" để học sinh học chính khóa cô nào thì về đúng lớp cô đó học thêm. 

Chị Nguyễn Thúy Minh, phụ huynh học sinh trường THCS Giảng Võ cho biết, lịch học thêm liên miên với học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 9 là chuyện bình thường. Thực tế, phụ huynh vẫn phải "tự nguyện" cho con học thêm cô giáo ở trường, đồng thời vẫn tìm thêm thầy giỏi, có tiếng ở bên ngoài để tiếp tục học thêm.

Sự thực thì, chẳng phụ huynh nào muốn con mình “chạy sô”, nếu như việc dạy và học chính khóa đã đủ để thỏa mãn điều kiện thi cử khi chuyển cấp. Tương tự, không giáo viên nào thích phải cật lực vừa dạy ở trường vừa dạy thêm, nếu như mức lương của giáo viên không quá chênh lệch so với đời sống thực tế.                    

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ: Cấm dạy thêm tràn lan, trái quy định: Khó, nhưng phải làm...

“Dạy thêm học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không riêng Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Cấm dạy thêm ở đây cần hiểu là cấm dạy thêm tràn lan hay những hành vi dạy thêm trái quy định, chẳng hạn như giáo viên cố ý đưa nội dung chính khoá, đưa kiến thức nâng cao vào giờ dạy thêm. Giáo viên đưa thêm kiến thức khó vào đề thi, bài kiểm tra để học sinh buộc phải đi học thêm là không thể chấp nhận. Dạy thêm, học thêm trong trường chỉ nên áp dụng với học sinh yếu kém, đồng thời bồi dưỡng học sinh giỏi theo nhu cầu. Đây là vấn đề khó, nhưng phải làm, chứ không phải nêu ra rồi để đấy”.