Không để lợi dụng “té giá theo lương”

ANTĐ - Trong nội dung trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng, thực hiện tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm, trong đó, tập trung điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong cơ chế thị trường giá cả được các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, người sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cho đến người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng có tốc độ tăng cao thứ hai trong các loại giá, chứng tỏ người kinh doanh thương mại đã có lợi hơn so với người sản xuất.

Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là lợi thế làm giá của những người kinh doanh, buôn bán so với người sản xuất, vốn đang “sa cơ lỡ vận” trong cảnh nợ nần chồng chất, tồn kho có giảm nhưng vẫn khá cao. Đứng giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đương nhiên người kinh doanh có cơ hội, vừa có thể ép người sản xuất, vừa lèn người tiêu dùng. Vì vậy, họ có thể thổi chênh lệch giá giữa sản xuất với giá mua của người tiêu dùng bằng nhiều chiêu bài, “kỹ thuật” như phân loại hàng hóa, trộn lẫn hàng giả, hàng kém chất lượng, cân đo, đong đếm. Cũng có những nguyên nhân bất khả kháng làm cho giá tiêu dùng tăng cao như tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, tăng giá xăng dầu, đẩy chi phí hoặc tăng lương tối thiểu… tạo cơ hội cho người kinh doanh lợi dụng “té giá theo lương”.

Có một nguyên nhân rất quan trọng đó là công tác quản lý giá cả thị trường, lưu thông phân phối, kiểm soát điều tiết giá cả và bảo vệ người tiêu dùng. Đó là chưa kể tình trạng hàng nhập lậu, hàng rởm, không rõ xuất xứ hoành hành trên thị trường. Lâu nay, dư luận thường chỉ lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng mà hầu như “bỏ quên” sự thua thiệt triền miên của người sản xuất. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng qua, giá bán nông, thủy sản của người sản xuất giảm tới gần 4%, một trong những nhóm sản phẩm có tốc độ giảm lớn nhất.

Nghịch lý là, giá dịch vụ nông nghiệp vẫn tăng tới 27,84%, hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng tới 10,55%. Những con số này nói lên điều gì? Nó chứng tỏ người sản xuất nông, thủy sản bị thiệt kép. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có chính sách mua tạm trữ gạo xuất khẩu; đồng thời đang triển khai một số chính sách với “liều lượng” cao, trực tiếp hơn để nông dân, người sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; có cơ chế kiểm tra, thanh tra giá cả để giảm bớt chênh lệch giữa giá bán của người sản xuất với giá mua của người tiêu dùng một cách hợp lý hơn.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả khả quan, song 6 tháng cuối năm vẫn phải tập trung điều hành tài khóa, giá cả, không được chủ quan. Điều hành giá các mặt hàng cơ bản, rõ ràng cần xem xét trong điều kiện lạm phát còn dư địa, đặc biệt không để người sản xuất “chịu đau”, chịu thiệt thòi vì bị kẹp giữa “cánh kéo” giá.