Không để lặp lại sai phạm

ANTĐ - Hà Nội chọn năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương. Lãnh đạo TP đã tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà. TP sẽ thể hiện quyết tâm cao trong việc chấn chỉnh kỷ cương ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

Người dân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi tới làm các thủ tục hành chính

Rõ địa chỉ trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về quyết định lấy năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ 15 Đảng bộ TP đã khẳng định: “Cải cách hành chính (CCHC) là một trong hai khâu đột phá được thực hiện trong giai đoạn 2010-2015”. Do đó, đẩy mạnh CCHC không chỉ là nhiệm vụ của năm 2013 mà của cả nhiệm kỳ. Bí thư Thành ủy phân tích: “Có rất nhiều nội dung liên quan tới CCHC, trong đó có việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Điều đó cũng có nghĩa phải ra sức khắc phục những biểu hiện tiêu cực, yếu kém của một bộ phận công chức, viên chức, phải làm sao để nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân. Phải thực sự gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là yêu cầu khắc phục triệt để những biểu hiện tiêu cực”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, công tác CCHC tuy đã luôn được tập trung chỉ đạo triển khai, song chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, cùng với việc lấy năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính”, Hà Nội sẽ tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đặc biệt là khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà. Chủ tịch UBND TP nói: “Cải cách thủ tục hành chính phải là việc làm thường xuyên. Phải tăng tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Đi liền với đó, phải tăng phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế - xã hội theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm. Hà Nội quyết xử lý đúng người đúng việc, không để tình trạng sai phạm diễn ra chung chung, không ai chịu trách nhiệm”.

Giảm phiền hà, xóa nạn vòi vĩnh

Trao đổi với phóng viên đầu xuân mới, một số cán bộ làm việc tại các đầu mối thụ lý hồ sơ hành chính thuộc các quận huyện, sở ngành đều cho biết đã nắm chắc tinh thần chỉ đạo của thành phố về “Năm kỷ cương hành chính”. Hơn ai hết, mỗi cán bộ công chức đều hiểu rằng, với người dân, doanh nghiệp, thời gian là vàng. Giảm thời gian thụ lý hồ sơ hành chính, giảm phiền hà, rắc rối là giúp người dân, doanh nghiệp đỡ tốn kém công sức, tiền của. Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, sẽ đảm bảo 100% thủ tục hành chính cấp quận được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Đặc biệt, quận Long Biên cũng bắt tay vào triển khai đề án xây dựng mô hình chính quyền điện tử cấp quận theo yêu cầu của thành phố.

Tương tự, Sở Tài chính Hà Nội cũng cam kết, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức có hiệu quả chương trình CCHC, đáp ứng yêu cầu “Năm kỷ cương hành chính 2013”. “Quan trọng nhất là cải thiện thời gian làm các thủ tục liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin tốt sẽ tạo ra sự bứt phá” – đại diện sở cho biết.

Tuy quyết tâm của các quận, huyện, sở ngành là cao, song cũng cần rõ thực tế hiện nay để thấy việc chấn chỉnh kỷ cương hành chính sẽ gặp phải những trở ngại không nhỏ. Điều tra xã hội học tại 7 sở, ngành (với 3.000 phiếu gửi tới người dân, doanh nghiệp) hồi giữa năm 2012 đã chỉ ra, còn ít nhất 10% người tới làm thủ tục không hài lòng. Trong đó lý do không hài lòng được người dân nêu ra là phải đi lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần (57,3%); trả kết quả sai hẹn (35,9%); cán bộ không đúng mực khi giao tiếp (24%) và đặc biệt có cán bộ gây khó khăn, vòi vĩnh (23,4%).

Tương tự, nếu nhìn vào con số các vụ vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai bị phát hiện trong năm 2012 (khoảng 3.000 vụ trên tổng số 16.233 công trình được kiểm tra), có thể thấy, vấn đề chấn chỉnh kỷ cương hành chính sẽ còn nóng bỏng. Bởi, bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực, có một số cán bộ đã buông lỏng quản lý và đặc biệt “có động thái tiếp tay, dung túng sai phạm của chủ đầu tư”. Thực tế, năm 2012, TP đã phải kỷ luật tới 142 cán bộ vì dính líu tới các vụ vi phạm trật tự xây dựng.

Trước hiện tượng “bệnh” cũ tái đi tái lại, lãnh đạo TP tỏ rõ quyết tâm rất cao: “Nếu vi phạm vẫn còn thì xử lý càng phải thường xuyên hơn. Cần làm nghiêm túc, liên tục mới ngăn chặn, phòng ngừa được. Còn nếu chỉ quyết liệt lúc vi phạm rộ lên rồi sau đó lại buông lỏng quản lý, lại vướng vào tiêu cực, thì tình hình sẽ diễn biến theo chu kỳ, cứ vài năm sẽ lặp lại các vi phạm cũ”.