Không để Hà Nội bất ngờ, bị động khi mở lại các hoạt động kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng việc dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội thời điểm này là rất cần thiết, tuy nhiên phải đặt ra các kịch bản ứng phó cụ thể để không bị bất ngờ, bị động.
Việc tái khởi động hoạt động sản xuất - kinh doanh phải trên cơ sở có những kịch bản cụ thể và đảm bảo an toàn

Việc tái khởi động hoạt động sản xuất - kinh doanh phải trên cơ sở có những kịch bản cụ thể và đảm bảo an toàn

Chung sống an toàn với dịch

Sau chiến dịch “thần tốc” xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19, Hà Nội đã đạt mục tiêu bao phủ vaccine 100% đối với người dân đủ điều kiện. Thời điểm ngày 21-9 tới, thành phố sẽ xác định cụ thể các điểm cách ly, phong tỏa để tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ. Quan điểm chủ đạo là thận trọng, nới lỏng, nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Để có thể xác định phương hướng phòng chống dịch bệnh và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21-9, UBND TP đã giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, đánh giá các kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội để báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Theo các chuyên gia, việc Hà Nội nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch là vô cùng cần thiết. GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là tất yếu và phải thực hiện sớm.

Trong bối cảnh mà cả thế giới vẫn còn đang có dịch nhưng các nước đã mở cửa trở lại thì Việt Nam không thể đóng cửa được, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trên 200% phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. “Chúng ta phải thay đổi chiến thuật của năm trước là “be bờ chặn dịch” để chuyển sang chiến thuật “sống chung với dịch một cách an toàn”, ông Cường nói.

Cùng quan điểm này, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay những rủi ro liên quan đến dịch bệnh vẫn còn phía trước, vì ngay cả khi chúng ta đã khống chế được dịch, người dân đã được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn có những nguy cơ về các biến thể khác, dịch bệnh khác. Vì vậy, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung phải xác định sống cùng với loại virus này và cần có những kịch bản khác nhau trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, đến thời điểm này có thể thấy nền kinh tế vốn không có tích lũy sâu đã tới hạn chịu đựng. Các doanh nghiệp gần như kiệt quệ và phải lên tiếng kêu cứu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ngấm đòn, đứng trước nguy cơ mất nhiều hợp đồng. Nhiều người dân mất sinh kế. Trong khi đó, Nhà nước không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước giàu. Những chính sách phong tỏa cực đoan sẽ gây khó khăn cho cuộc sống người dân, trong khi vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Do đó, Hà Nội cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đảm bảo “mục tiêu kép” đã đề ra.

Về khía cạnh dịch tễ, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc mở cửa nền kinh tế sẽ phải dựa trên 3 dữ liệu quan trọng là: Tính chất của dịch bệnh; Độ bao phủ vaccine; Nhu cầu làm ăn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Về tính chất dịch thì hiện tại Hà Nội vẫn đang kiểm soát được. Số ca mắc giảm, đặc biệt là những ca mắc trong cộng đồng chỉ tập trung ở diện hẹp.

Tiếp đó, vấn đề vaccine, chúng ta cũng đã tổ chức tiêm vaccine rất nhanh chóng. Mặc dù vaccine không bảo vệ được khỏi lây nhiễm 100%, nhưng nó vẫn là chìa khóa chống dịch bền vững vì giúp giảm số ca chuyển nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong. Có địa phương chỉ khoảng chục ca nhiễm đã lập tức thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng có nhiều nơi, số ca nhiễm lớn hơn thì vẫn phải nới lỏng vì còn liên quan vấn đề nhu cầu kinh tế. Không thể có mẫu số chung mà phụ thuộc vào từng địa phương. Thời gian qua, công tác chống dịch ở Hà Nội được coi là thành công. Mục tiêu của Hà Nội là không bị dịch bùng phát mạnh, không có ai bị bệnh nặng, vào viện mà phải tử vong cả. Vì mục tiêu đó nên Hà Nội phải thực hiện giãn cách thời gian dài như vừa qua, nếu không làm vậy thì dịch bệnh ở Hà Nội đã bùng lên rất phức tạp rồi.

Chủ động các kịch bản ứng phó

Dù đồng tình mở cửa trở lại nền kinh tế, song các chuyên gia cho rằng những rủi ro liên quan đến dịch bệnh là rất khó lường nên việc khôi phục lại sản xuất, kinh doanh cần dựa trên những kịch bản cụ thể. Theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội chưa xấu, nhưng thành phố vẫn đặt ra những kịch bản xấu nhất và dựa trên những dữ liệu, tư vấn tốt về mặt khoa học, kinh tế, y tế. “Việc làm sao vừa chống dịch tốt, vừa đảm bảo phát triển kinh tế là một bài toán rất khó, nhất là với một thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng nếu thiếu những kịch bản, thiếu những nhìn nhận đủ dài, thì sẽ dẫn đến manh mún, “ăn đong”, dẫn đến những chính sách vừa đưa ra đã nhận lại phản ứng và phải điều chỉnh” - vị chuyên gia nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các kịch bản mà Hà Nội xây dựng cần dựa trên cơ sở học tập, rút kinh nghiệm từ một số địa phương trong nước và quốc tế. Bất kỳ kịch bản nào thì Hà Nội vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu là y tế và kinh tế, trong đó trước tiên vẫn là đảm bảo y tế. Do đó, Hà Nội sẽ không thể mở cửa toàn bộ ngay được mà phải từng bước. Một là đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân dân. Hai là đánh giá lại yếu tố dịch tễ để mở cửa ở mức độ cao hơn với các vùng an toàn. Tuy nhiên, mở cửa nhưng vẫn phải đặt vấn đề phòng chống dịch lên hàng đầu. “Đặc biệt, Hà Nội phải đặt kịch bản nếu mở cửa mà bùng phát dịch thì phải có phương án ngay, chứ không để bất ngờ, bị động vừa thiệt hại về mặt con người, vừa thiệt hại về tài chính” - vị chuyên gia đề xuất.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì việc Hà Nội nới lỏng giãn cách là rất khả quan. Tất nhiên, vẫn sẽ có vùng bị phong tỏa và nguy cơ hình thành ổ dịch mới. Vấn đề là làm sao phát hiện sớm, khoanh vùng, phát hiện cách ly, truy vết kịp thời. Ông cũng đặt ra 3 kịch bản cụ thể: Thứ nhất, tình hình dịch duy trì được như hiện nay hoặc giảm dần; Thứ hai là số ca nhiễm tăng, lan rộng hơn, phát hiện thêm ổ dịch mới; Thứ ba là dịch lan rộng toàn thành phố. Với kịch bản nào thì ứng phó vẫn phải lấy hệ thống y tế làm trọng tâm. Phải làm sao cho hệ thống y tế không bị quá tải, không để xảy ra tử vong mà không kiểm soát được.

Khôi phục sản xuất an toàn

Theo các chuyên gia, điều quan trọng khi mở cửa trở lại là phải đưa ra các phương án an toàn như: lối sống an toàn, xí nghiệp, chợ búa, trường học, địa phương, địa bàn an toàn… Người dân sẽ vẫn phải đeo khẩu trang, áp dụng 5K. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, tổ chức phải có những biện pháp, phương án để ứng phó với dịch. GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội cần trao quyền cho các doanh nghiệp, các đơn vị tự quyết định mở lại các hoạt động kèm theo các biện pháp phòng dịch, có những biện pháp kiểm soát của chính quyền. Đồng thời phải có các chế tài để xử lý, quy trách nhiệm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, những tổ chức mà không tuân thủ, không có biện pháp để làm lây lan dịch bệnh.

Hà Nội cũng cần có những ưu tiên, lộ trình cho hoạt động mở cửa. Trong đó, ưu tiên mở lại những hoạt động ngoài trời như sản xuất nông nghiệp; hoạt động sản xuất của cơ sở công nghiệp không tập trung đông người; hoạt động lưu thông hàng hóa không tiếp xúc trực tiếp hoặc hoạt động sản xuất trong các cơ sở kinh doanh nhưng có phân khu, phân lô, có tổ chức các vòng an toàn thành khu vực khép kín, có kiểm soát từ chỗ sản xuất đến nơi công nhân cư trú. Còn những hoạt động có nguy cơ cao cần cân nhắc và không nên cho tái lập một cách vội vàng, ví dụ karaoke, vũ trường, nhà hàng tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp như quán bia vỉa hè. Đó là nơi có nguy cơ lây nhiễm và cần kiểm soát chặt chẽ. “Xác định sống chung với dịch nghĩa là ngay cả các vùng xanh cũng chưa thể nói là không có dịch, mà phải coi là chưa phát hiện ra. Do đó phải duy trì các hoạt động sản xuất an toàn và sẵn sàng tư thế ứng phó bất cứ lúc nào” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

“Xác định sống chung với dịch nghĩa là ngay cả các vùng xanh cũng chưa thể nói là không có dịch, mà phải coi là chưa phát hiện ra. Do đó phải duy trì các hoạt động sản xuất an toàn và sẵn sàng tư thế ứng phó bất cứ lúc nào”.

GS.TS Hoàng Văn Cường