Không dễ giảm thêm lãi suất cho vay

ANTD.VN - Một số ý kiến cho rằng ngành ngân hàng nên nghiên cứu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vì hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước.

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đồng loạt vào cuộc giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 2,5%/năm, thậm chí có ngân hàng công bố giảm tới 4%/năm đối với một số đối tượng khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tới từng địa phương.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm kể từ 2016 đến 2020.

Điều này cho thấy sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn đang rất kém. Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân từng kiến nghị Chính phủ có thể xem xét có thể hỗ trợ thêm lãi suất cho doanh nghiệp.

Dù lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức rất thấp

Theo ông Trần Hoàng Ngân, lãi suất Việt Nam chúng ta hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong khu vực. Đơn cử như lãi suất điều hành của Thái Lan đang vào khoảng 0,5%, hay là của Philippines và các nước khác trong khu vực chỉ khoảng 3%; khu vực Euro là 0%, thậm chí một số nước như Nhật -0,1% hay Đan Mạch -0,5%...

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, bài toán giảm thêm lãi suất cho vay của các ngân hàng thời điểm này là không dễ. TS Nguyễn Trí Hiếu nói:

- Tôi đồng tình trong bối cảnh doanh nghiệp vô cùng khó khăn do dịch bệnh thì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay còn cao so với sức hấp thụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động.

Không dễ giảm thêm lãi suất cho vay ảnh 2

TS Nguyễn Trí Hiếu

Trong khi đó, lãi suất huy động của chúng ta ngoài kỳ hạn dưới 6 tháng được khống chế trần thì các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn khá cao. Để giảm được lãi suất đầu vào đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là phải giảm lạm phát. Hiện nay, tỷ lệ phát của chúng ta khoảng 4%, lãi suất huy động phải cộng với biên độ 2%, và cộng thêm 3% lãi suất trên huy động là lãi suất cho vay.

Do đó, dù mặt bằng lãi suất còn cao nhưng việc giảm lại không dễ dàng.

- Hiện nay tăng trưởng tín dụng đang ở mức rất thấp, chỉ 2,45% chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái nhưng nhiều ngân hàng vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, chỉ tiêu toàn ngành cũng ở mức 14%. Theo ông, liệu hệ thống ngân hàng có “cán đích” chỉ tiêu này?

- Thực tế hiện nay các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh giảm rất nhiều, đơn hàng bị huỷ nhiều nên họ không có nhu cầu vay mượn tại ngân hàng.

Bên cạnh đó có một bộ phận khác của doanh nghiệp rất cần tiền, là các doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, doanh thu giảm, thanh khoản giảm. Nhưng đó lại là những doanh nghiệp mà các ngân hàng không dám cho vay vì sớm muộn sẽ có nợ xấu.

Thế nên có mâu thuẫn là một số doanh nghiệp không có nhu cầu tín dụng nhưng một bộ phận có nhu cầu vay cao lại không vay được. Điều này làm cho tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đến nay rất thấp so với các năm trước.

Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao, có ngân hàng trên 20%. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn không điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, tôi nghĩ là họ vẫn kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm, khi tình hình kinh tế dần ổn định trở lại.

Tuy nhiên, tôi nghĩ là các ngân hàng đặt chỉ tiêu tín dụng quá cao sẽ khó khả thi, hoặc họ phải chấp nhận rủi ro rất cao và cần thận trọng việc thực hiện chỉ tiêu đó.

Riêng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay là 14% tôi cho là cũng không khả thi, có thể chúng ta cần điều chỉnh ở mức 10%, thậm chí có thể thấp hơn.

- Trên thực tế, dù hoạt động cấp tín dụng gặp khó khăn nhưng lợi nhuận nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm vẫn khá khả quan, và mục tiêu lợi nhuận năm 2020 cũng vẫn cao. Quay trở lại vấn đề lãi suất cho vay còn cao, theo ông, các ngân hàng có nên “hy sinh” thêm lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế?

- Năm nay, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhìn chung tình hình lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp hơn năm ngoái nhiều. Thu nhập từ lãi do hoạt động tín dụng giảm, nợ xấu tăng làm tăng chi phí dự phòng rủi ro…

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung. Thế nên tôi nghĩ chỉ tiêu lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, còn “hy sinh lợi nhuận” cũng chỉ ở mức độ nào đó.

Vì thực tế, việc “hy sinh lợi nhuận” cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nên ngân hàng cũng phải cân nhắc, làm sao vừa đảm bảo quyền lợi của cổ đông vừa hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều ngân hàng các năm qua không chia cổ tức, cổ đông rất thiệt thòi, vì vậy nếu năm nay vẫn hy sinh quyền lợi của họ nữa thì sẽ vượt quá sức chịu đựng của họ.