Không dễ dùng tiền đổi lấy thành công

ANTĐ - Ông Lê Hùng Dũng trước nay vốn nổi tiếng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Thế nên, khi ông chính thức được bầu làm Chủ tịch VFF, người ta hy vọng hầu bao rủng rỉnh và cách chi tiêu khôn ngoan của ông sẽ giúp bóng đá Việt Nam tiến lên một tầm cao mới. Nhưng mọi chuyện có đơn giản như vậy?

Người ta hy vọng ông Lê Hùng Dũng tiếp tục nói được và làm được

Trong suốt 2 nhiệm kỳ làm Phó chủ tịch phụ trách tài chính cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông Lê Hùng Dũng không chỉ đóng tròn vai mà còn thực sự nổi bật với nhiều quyết sách liên quan đến vấn đề kinh tế cho VFF. Ông Lê Hùng Dũng, vốn là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank và SJC (Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn) được đánh giá là một người nhiệt thành với bóng đá nước nhà, có kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng lớn đến các CLB cũng như các nhà tài trợ. Hầu như mọi vấn đề rắc rối liên quan đến tài chính của VFF từ trước đến nay, qua tay ông, đều trở nên suôn sẻ. Với thế mạnh của mình, không ngạc nhiên khi trong ngày nhậm chức, ông Lê Hùng Dũng tuyên bố nhiều điều ấn tượng có liên quan đến tài chính, mà một trong số đó là việc VFF sẽ mạnh tay đầu tư cho bóng đá nữ.

Việc ông Đoàn Nguyên Đức ngồi ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính cho ông Lê Hùng Dũng cũng khiến người ta càng thêm lạc quan, bởi cả hai đều có tiềm lực kinh tế hùng hậu và quyết đoán. Việc bỏ tiền ra mời Arsenal sang Việt Nam du đấu hồi tháng 7 năm ngoái là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, khi ngồi vào ghế Chủ tịch, vấn đề với ông Lê Hùng Dũng không phải là làm thế nào để VFF làm ăn có lãi với những kế hoạch tài chính thuyết phục, mà là làm thế nào để thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam. 

Bài toán với ông Lê Hùng Dũng lúc này là làm thế nào để dùng tiền quy đổi ra thành công, bởi không phải cứ kiếm được thật nhiều tài trợ, và treo thưởng hàng tỷ đồng trước mỗi giải đấu lớn, là đội tuyển có thể ngay lập tức mang về danh hiệu. Đội tuyển quốc gia đang trong thời kỳ chuyển giao, U23 thì thiếu và yếu, bóng đá trẻ chưa đâu vào đâu, còn bóng đá nữ thì chưa được quan tâm đầy đủ. Giữa câu chuyện “kiếm tiền” và chuyện nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia, công tác đào tạo bóng đá trẻ, nâng cao đời sống cho các cầu thủ nữ là một khoảng cách quá xa. VFF có thể thuê HLV ngoại với mấy chục nghìn USD/tháng, nhưng không đồng nghĩa với chất lượng đội tuyển được tăng lên. Quá khứ của VFF cho thấy có rất nhiều tuyên bố ấn tượng, nhưng tất cả đều chìm vào quên lãng và đời sống bóng đá trẻ, hay bóng đá nữ, vẫn dậm chân tại chỗ, hoặc nếu có đi lên thì chỉ nhích đừng chút chứ chưa tiến dài như những tuyên bố ấy.

Một vấn đề nhức nhối khác, là tiêu cực. Rõ ràng, VFF có ăn nên làm ra cũng không thể khiến tình trạng xin, cho điểm ở các CLB thuyên giảm. VFF có dùng tiền để đẩy lùi tiêu cực trong trọng tài thì cũng khó đi đến tận chân tơ kẽ tóc nếu các trọng tài muốn tiêu cực.  V-League 2 năm trở lại đây đã cho thấy dù thu nhập của các trọng tài đã tăng vọt, nhưng vấn đề của những “vua áo đen” vẫn luôn nhức nhối vòng này qua vòng khác. 

Sẽ còn cả một chặng đường dài để tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng tạo ra “đột phá” cho bóng đá Việt Nam. Bởi tiền đôi khi không phải là tất cả.