Không dễ dẹp mũ bảo hiểm kém chất lượng

ANTĐ - Ngoài các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt chuẩn, trên thị trường còn bày bán hàng trăm loại dạng mũ bảo hiểm như: mũ đi bộ, mũ nhựa, mũ thời trang, mũ chơi thể thao…, nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý do các đối tượng sản xuất, kinh doanh đã “lách luật”. 

Không dễ dẹp mũ bảo hiểm kém chất lượng ảnh 1Khó lấy đủ mẫu để giám định chất lượng khi mũ được bày bán kiểu này

Không quản nổi từ khâu sản xuất

Theo đại diện của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cả nước hiện có chưa đến 10 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, từ làm toàn bộ linh kiện đến lắp ráp mũ hoàn chỉnh; còn lại đa số là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ làm 1 hoặc một số bộ phận, chi tiết mũ, sau đó có đơn vị chuyên mua linh kiện về lắp ráp. “Do có hàng nghìn cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm nên công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ riêng các đối tượng ký cam kết không kinh doanh mũ bảo hiểm nhập lậu, kém chất lượng, giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong 9 tháng qua đã lên tới 3.519 cơ sở” - đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết.

Ở khâu bán hàng, mũ bảo hiểm kém chất lượng thường được bày bán trên vỉa hè, lòng đường, trà trộn với các loại hàng khác nên công tác kiểm tra, kiểm soát cũng không đơn giản. Hơn nữa, các cơ sở nhỏ lẻ thường bán nhiều loại mũ bảo hiểm, nhưng mỗi loại chỉ có một vài chiếc. Trong khi đó, việc giám định chất lượng mũ lại phải lưu mẫu, đo các chỉ tiêu độ bền va đập, hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, quai đeo… Cứ giám định 3 tiêu chí thì phải lấy 6 mẫu. Với kiểu bán lẻ như trên thì lực lượng quản lý thị trường không thể lấy đủ mẫu để đưa đi giám định chất lượng. 

Xử lý từ gốc hay từ ngọn?

Lâu nay, các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn mũ bảo hiểm kém chất lượng. Trong đó, biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, ký cam kết được coi là giải pháp từ gốc, giúp nâng cao ý thức từ khâu sản xuất. Kết hợp với đó, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, rà soát, xử lý nhiều điểm bán mũ vi phạm, phạt hành chính và tịch thu mũ kém chất lượng. Tuy nhiên, các giải pháp trên đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Biểu hiện là tại nhiều tuyến phố, mũ bảo hiểm không tem hợp quy, không đủ 3 lớp, mũ giả danh mũ bảo hiểm… vẫn được bày bán. 

Mới đây, trong bản gửi các bộ, ngành liên quan về việc tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) kiến nghị, trong khâu sản xuất, cần bổ sung các quy định cụ thể về quản lý chất lượng các linh kiện, bộ phận mũ bảo hiểm và có biện pháp kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất linh kiện mũ bảo hiểm để cung cấp cho các cơ sở lắp ráp trong thực tế.

Còn đại diện Cục Quản lý thị trường thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã: nếu để tình trạng bày bán mũ bảo hiểm, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó phải chịu trách nhiệm. Kèm theo đó là việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Các giải pháp này không mới và chưa đưa lại hiệu quả như mong muốn.

Trong khi đó, có một giải pháp được coi là sẽ hiệu quả, từng được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia nêu, là công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng trên báo đài còn ít được thực hiện. 

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 586 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, thu giữ trên 4.000 mũ bảo hiểm không đạt yêu cầu.