Không để “con kiến kiện củ khoai”

ANTĐ - Đó là quan điểm của ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khi thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) ngày 23-6.

Không để “con kiến kiện củ khoai” ảnh 1Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, bản chất của nhiều vụ án hành chính
là “con kiến kiện củ khoai”. Ảnh: Thuần Thư

Phải làm sao để người khiếu kiện tin vào công lý

Về sự cần thiết phải ban hành Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch ( ĐBQH TP.HCM) nhận định, điểm khác biệt của tố tụng hành chính là bảo vệ bên đi kiện theo hướng đưa công lý tới với người yếu thế. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, bản chất của nhiều vụ án hành chính là “con kiến kiện củ khoai”. Do vậy, cần phải hoàn thiện hơn nữa những chế định để “con kiến” ngày càng tin vào công lý.

 Đối với nội dung phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, cấp tỉnh, một số ý kiến nhất trí nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện về quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy vậy, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu, cần cân nhắc việc giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh thụ lý các khiếu kiện liên quan đến quyết định của UBND cấp huyện vì như vậy là đi ngược lại với lộ trình cải cách tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng cho rằng, nếu dồn việc về TAND cấp tỉnh, thì ở các tỉnh miền núi, người dân sẽ phải đi hàng trăm cây số mới khiếu kiện được. ĐB Trần Văn Độ (An Giang) đề xuất, nên quy định thẩm quyền chéo: Án huyện này có thể khởi kiện ở huyện khác. Như vậy, luật vừa mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, vừa tạo được sự độc lập, khách quan trong xét xử cho thẩm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. 

Về nội dung liên quan đến người đại diện, một số ý kiến đề nghị quy định rõ người được ủy quyền phải đại diện cho người ủy quyền tham gia toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện, đề nghị quy định chặt chẽ vấn đề này và có chế tài đối với người được ủy quyền không chịu hợp tác khiến thời gian giải quyết vụ việc kéo dài. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, người ủy quyền phải ủy quyền cho người có trách nhiệm, thay mặt mình để quyết định vấn đề chứ không phải việc gì cũng chờ “xin phép”.

Tin vào trí tuệ của nhân dân

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật này. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phát biểu, từ trước đến nay, dù chưa có cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức nhưng ý chí, nguyện vọng của nhân dân đã đi vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Luật Trưng cầu ý dân là bước tiến quan trọng để ý chí, nguyện vọng của nhân dân được  thể hiện một một cách rõ nét hơn. “Quan điểm trọng dân, tin dân cần được thể hiện xuyên suốt trong luật. Tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề nâng cao trách nhiệm của người dân” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. 

Về phạm vi, nhiều ý kiến đồng tình với trưng cầu ý dân trên toàn quốc nhưng đề nghị cần có quy định mở cho trường hợp trưng cầu ý dân ở địa phương. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến, với những vấn đề mang tính khu vực thì Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân ở khu vực đó.