Không để chủ đầu tư “tay không bắt giặc”

ANTĐ - Ngày 18-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, thực tế, hiện nay giá bán nhà ở xã hội vẫn ở mức cao so với thu nhập của đại đa số người dân. “Việc phát triển nhà ở xã hội là cần thiết nhưng tránh bao cấp tràn lan, lợi dụng chính sách để trục lợi, ngược lại cũng không làm khó các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở mà khó khăn về tài chính”- ĐB Hồ Thị Thủy nói.

Một số đại biểu cũng kiến nghị, Ban dự thảo Luật nên xem xét một số quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản... Các vấn đề điều kiện thủ tục thời hạn liên quan đến việc xác lập nhà ở mà đúng thực tế và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân thì quy định thuận lợi cho người dân, tránh tiêu cực và giảm cơ chế xin cho. Đây cũng là cơ sở để cơ quan Nhà nước làm công cụ để kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung như Quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Thời hạn sử dụng nhà ở chung cư; Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai…

Thảo luận về Dự luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bất động sản, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người dân thừa nhà cho thuê, lại bị kiểm soát như kinh doanh bất động sản, bị đánh thuế quá nặng là không phù hợp. Ngược lại, có những người một năm mua bán 5, 7 căn nhà dưới mác mua để ở. Luật phải kiểm soát được vấn đề này để tránh sự lạm dụng. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cũng cho rằng, dự Luật chưa xác định thế nào là kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ. Hiện có nhiều người không thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng lại kinh doanh chung cư mimi, không thông qua sàn. Vấn đề này rất cần đưa vào luật, Chính phủ chỉ nên quy định những chế tài cụ thể kèm theo. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, quy định doanh nghiệp, hợp tác xã và có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng là cần thiết để đảm bảo năng lực tài chính. Tránh trường hợp chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, không có năng lực vẫn “ôm” dự án, gây rủi ro cho người mua và ảnh hưởng đến thị trường.