Không để "cát tặc" lộng hành

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng loạt bài về tình trạng “cát tặc” lộng hành trên một số tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội, đại diện một số đơn vị chức năng thuộc CATP đã có ý kiến về vấn đề này.

Không để "cát tặc" lộng hành  ảnh 1
Đại tá Khuất Văn Kiều - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (GTĐT), CATP Hà Nội: “Cát tặc” hoạt động mạnh ở khu vực giáp ranh

Thời gian qua, nhiều vụ khai thác cát trái phép đã bị bắt giữ, truy tố. Đến nay hầu như không có, nếu có thì chỉ xảy ra tình trạng hút trộm cát vào ban đêm.

Từ năm 2015 trở về trước, trên địa bàn Hà Nội không có công ty, doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác bãi nổi, phê duyệt nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Nhưng, từ năm 2015 trở lại đây, có 4 công ty được Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) cấp phép nạo vét, tận thu. Các công ty này hoạt động rất phức tạp. Còn về khai thác bãi nổi có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Quảng Tây, Công ty TNHH Linh Huy Hoàng hay Công ty TNHH thương mại Kim Thanh. Trong đó, hoạt động của Công ty TNHH thương mại Kim Thanh cực kỳ phức tạp, chuyên bán dự án cho nhiều công ty khác (đoạn khai thác ở các xã Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà (thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ).

Các hoạt động nằm trong dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm rất phức tạp nhưng để xử lý thì không dễ. Các công ty, doanh nghiệp này tuy được cấp phép nhưng thiếu giấy tờ hoạt động, chứng chỉ thuyền viên, đăng kiểm tàu thuyền, hoặc được cấp phép nạo vét tận thu tại điểm này lại khai thác điểm khác, thậm chí bán mặt nước ra bên ngoài dẫn đến tranh chấp, kiện cáo nhau.

Đối với cơ quan quản lý, khi cấp giấy phép hoạt động cho các công ty, doanh nghiệp xong thì bỏ đấy, không quản lý, kiểm tra, đôn đốc. Các cơ quan chức năng như môi trường, tài nguyên khoáng sản bỏ mặc. Trong khi đó, “cát tặc” lại hoạt động mạnh tại các khu vực giáp ranh, nhưng cơ quan chức năng không có máy định vị nên không thể làm được. Do vậy, công tác xử lý tình trạng khai thác cát luôn là vấn đề khó, không thể xử lý triệt để được. 

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội: Thiếu phương tiện tàu, thuyền chuyên dụng

Theo Kế hoạch số 80 của Giám đốc CATP Hà Nội về phòng chống tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, Phòng Cảnh sát môi trường là đơn vị chủ trì phối hợp với Công an các quận, huyện để đấu tranh xử lý các hành vi khai thác cát sai phép trên địa bàn Hà Nội. Ngoài Kế hoạch 80 còn có Quyết định 1039 (ngày 3-4-2015) của Giám đốc CATP về việc thành lập tổ công tác kiểm tra tập trung xử lý các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn GTĐT nội địa, trong đó, Phó  Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy được phân công làm tổ trưởng, còn Phó  Trưởng phòng Cảnh sát môi trường làm tổ phó.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát môi trường CATP không có tàu, thuyền, nên khi phát hiện khai thác cát trái phép đều phải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Công an các quận, huyện cùng bắt giữ. Chính vì vậy, khi thấy lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đến, “cát tặc” đã rút lui. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đều có kế hoạch tuần tra kiểm soát ban đêm hỗ trợ Cảnh sát môi trường trong tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số Công an quận, huyện, thị xã thì việc phối hợp chống “cát tặc” còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa, Bộ GTVT: Sẽ tổng kiểm tra toàn bộ các dự án

 

Vừa qua, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã rà soát và chấm dứt hoạt động của 9 công ty, doanh nghiệp không chứng tỏ được năng lực hoàn thành dự án đăng ký, không có báo cáo về tình hình thực hiện dự án. Đợt tới, Cục ĐTNĐ sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện Hà Nội có 15 dự án, trong đó có 6 dự án đã triển khai, còn lại 9 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục triển khai.

Bắt đầu từ ngày 22-4, đoàn công tác của Cục ĐTNĐ đã kiểm tra lại toàn bộ các dự án trên toàn tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội về thủ tục hồ sơ, hoạt động, vị trí khai thác cát. Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra đã mời đại diện Bộ GTVT, các cơ quan chức năng của địa phương tham gia. Trên cơ sở kết quả kiểm tra sẽ đánh giá cụ thể.

Đối với các công ty, doanh nghiệp khi mới được Cục ĐTNĐ chấp nhận chủ trương và thuê đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ, mới chỉ là những bước thủ tục. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được phép triển khai thực hiện khi đã đủ và hoàn thiện hồ sơ và được Cục ĐTNĐ bàn giao toàn bộ mốc giới, phạm vi dự án nạo vét… bàn giao có chứng kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Còn nếu chưa đủ các bước trên mà công ty, doanh nghiệp lợi dụng thực hiện hoạt động khai thác, nạo vét là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý các tàu thuyền hoạt động trên sông, các đơn vị Cảnh sát GTĐT có trách nhiệm tuần tra kiểm soát và xử lý sai phạm.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội:Muốn dẹp “cát tặc”, phải có sự phối hợp liên vùng

Không để "cát tặc" lộng hành  ảnh 2

“Nạn “cát tặc” ở nhiều địa phương đã tồn tại từ lâu, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều giải pháp để ngăn chặn song trên thực tế, nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông lớn, nhất là tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận vẫn còn nhức nhối. Tôi cũng được nghe cử tri phản ánh nhiều về thực trạng này, trong đó có cả tình trạng như Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh là các đối tượng khai thác cát trái phép ở Hà Nội bị cơ quan chức năng trấn áp mạnh thì chạy sang địa bàn tỉnh bên cạnh để vi phạm rồi thời gian sau lại “nhảy” về chỗ cũ, thậm chí là chuyển nhượng trái phép giấy phép khai thác cát lòng sông… 

Theo tôi, muốn giải quyết triệt để được vấn đề này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc cấp phép, quản lý giấy phép, hoạt động hành nghề khai thác cát thì vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã và huyện. Không chỉ nắm rõ nhất thực trạng “cát tặc” trên địa bàn, chính quyền xã, huyện cũng là nơi đầu tiên tiếp nhận những phản ánh, bức xúc của nhân dân về thực trạng này để giải quyết. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp liên xã, liên huyện, liên tỉnh để xử lý “cát tặc”, không phải vì đối tượng vi phạm đã ra khỏi huyện mình, tỉnh mình thì không cần quan tâm nữa…”.

Đại diện lãnh đạo Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Bộ TN-MT):
Phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh 

“Thời gian qua, một số địa phương, như Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh việc các báo, đài cùng phối hợp tham gia phản ánh các vụ việc để các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, xử lý vi phạm. Liên quan tới xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam xây dựng kế hoạch và dự kiến tháng 7 tới sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố và đặc biệt là ở các vùng giáp ranh. 

Để chấn chỉnh tình hình vi phạm tràn lan, các tỉnh cần tăng cường kiểm tra các vùng giáp ranh, xây dựng quy chế phối hợp liên vùng; siết chặt việc cấp phép... Ngoài ra, cần xem xét kỹ các dự án nạo vét. Theo đó, doanh nghiệp phải đăng ký cụ thể kế hoạch, thời gian, khối lượng nạo vét. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp. Một trong những khó khăn trong công tác xử lý hiện nay là tình trạng các bến, bãi trái phép khá nhiều.

Bên cạnh đó, giấy phép do các địa phương cấp nhưng lại không kiểm tra nên doanh nghiệp lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác trái phép. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung dẹp bỏ các bến bãi trái phép và kiểm tra việc cấp phép của địa phương xem cấp có đúng về tọa độ, diện tích, ranh giới để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khai thác vượt ra bên ngoài.  Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc kỹ với từng địa phương để xem xét những khó khăn, vướng mắc, nhất là về địa bàn giáp ranh, quy chế phối hợp xử lý vi phạm... Từ đó, chúng tôi sẽ đề xuất với các địa phương giải pháp quản lý chặt chẽ hơn”.