Không để các biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội tiếp tục bị phá dỡ

ANTD.VN - Công tác quản lý biệt thự Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã để xảy ra nhiều sai phạm, buông lỏng… dẫn đến 123 biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới.

Một biệt thự khá lớn trên phố Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị phá dỡ, chỉ còn lại ô đất trống được quây rào sắt phía ngoài

Để quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ nhà biệt thự trên địa bàn, từ năm 2008, Hà Nội đã xây dựng Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố. Đề án đã tổng hợp, thống kê danh mục 970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.

Tới năm 2013, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thông qua Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ban hành danh mục phố cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô... Theo đó, đã xác định danh mục 225 biệt thự cũ trước năm 1954.

123 biệt thự bị phá dỡ

Theo đánh giá của Ban Pháp chế và Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội, nhìn chung, sau khi thành phố Hà Nội ban hành các Đề án và Nghị quyết nói trên, công tác quản lý sử dụng nhà biệt thự trên địa bàn thành phố có chuyển biến, chặt chẽ hơn. Nhiều biệt thự cũ có giá trị kiến trúc được thành phố quan tâm tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng nảy sinh những bất cập, khó khăn nên UBND TP đã thành lập Hội đồng thẩm định để rà soát, điều chỉnh các danh mục nhà biệt thự đã ban hành.

Theo đó, quá trình tổng hợp ban đầu danh mục đưa vào Đề án quản lý biệt thự có nhiều trường hợp nhầm địa chỉ hoặc chỉ là nhà phố, công trình có giá trị kiến trúc khác không phải là biệt thự; để sót biệt thự nằm trong các khuôn viên rộng. Đặc biệt, trong công tác quản lý để xảy ra nhiều sai phạm, buông lỏng dẫn đến biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới; thậm chí, rất nhiều biệt thự được chính quyền cấp phép cho phá dỡ xây dựng mới không báo cáo lại cấp có thẩm quyền theo quy định.

Do vậy, phải điều chỉnh lại danh mục, sửa các sai sót trên, bổ sung biệt thự mới phát hiện và đưa ra khỏi danh mục những biệt thự đã phá, xây dựng công trình khác...

Cụ thể, đối với danh mục 970 biệt thự ban hành từ năm 2008, Ban Pháp chế và Ban Đô thị - HĐND TP đồng tình đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục, đồng thời xác định là công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954; đưa 2 biệt thự ra khỏi danh mục, đồng thời xác định là nhà phố. Ngoài ra, còn có 3 biệt thự thống kê trùng 2 lần; 51 biệt thự phải điều chỉnh lại địa chỉ…

Đặc biệt, có tới 123 biệt thự đã bị phá dỡ, trong đó, một số đã xây dựng mới, một số đang là đất trống… Số công trình này hiện không còn là biệt thự để quản lý theo Đề án quản lý biệt thự của Hà Nội. Do vậy, UBND TP cần xem xét theo hướng quản lý theo quy hoạch đối với các biệt thự không có giấy phép xây dựng và các ô đất trống sau khi biệt thự bị phá.

Quản lý biệt thự đã phá dỡ theo quy hoạch

Với đề xuất điều chỉnh khá lớn nói trên, Ban Pháp chế và Ban Đô thị - HĐND TP cho rằng, để có thêm thông tin giúp HĐND TP quyết nghị, đề nghị UBND TP báo cáo bổ sung; giải trình rõ hơn về những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý biệt thự thời gian qua; đồng thời nêu rõ các giải pháp khắc phục.

Với danh mục 225 biệt thự cũ trước năm 1954, UBND TP đề xuất điều chỉnh lại địa chỉ đối với 11 biệt thự; đưa 4 biệt thự ra khỏi danh mục (do xác định nhầm từ 1 biệt thự mang 2 biển số nhà thành 2 biệt thự); đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954. Như vậy, sau điều chỉnh, danh mục này còn 218 biệt thự.

Từ thực tế đã nêu trên, Ban Pháp chế và Ban Đô thị đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án xử lý những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý biệt thự, không để xảy ra tình trạng các biệt thự tiếp tục bị phá dỡ để xây dựng công trình mới không đúng với quy định. Đối với những biệt thự đã bị phá dỡ nhưng chưa xây dựng mới và biệt thự tự phá dỡ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cần phải đưa vào diện quản lý theo quy hoạch. 

Đối với những biệt thự chưa phá nhưng chính quyền các cấp đã phê duyệt dự án, cần phải rà soát lại thủ tục, thẩm quyền và quản lý theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.