Không công bố đáp án, đề thi đánh giá năng lực

ANTĐ - Trước thắc mắc của phóng viên về việc vì sao ĐHQG Hà Nội không công bố đáp án và công khai nguồn dữ liệu câu hỏi trong kỳ thi đánh giá năng lực đang diễn ra, PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, đây là tài sản cần bảo mật. Hơn nữa, bộ đề đã được xây dựng, kiểm định nghiêm ngặt nên không cần phải đánh giá lại.

Không công bố đáp án, đề thi đánh giá năng lực ảnh 1

- PV: Việc ĐHQG Hà Nội đóng cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi đánh giá năng lực trước thời hạn khi đạt 70.000 thí sinh có hạn chế cơ hội của những thí sinh có nhu cầu dự thi?

- PGS Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi xác định, khả năng đáp ứng số lượng thí sinh đăng ký dự thi phải trong giới hạn ĐHQG Hà Nội có thể làm chủ được. Những thí sinh không đăng ký trong tháng 5 còn cơ hội đăng ký trong tháng 8-2016. ĐHQG Hà Nội vẫn dành tỷ lệ nhất định chỉ tiêu tuyển đợt 2. Tỷ lệ chính xác còn căn cứ vào kết quả của thí sinh dự thi đợt 1. Việc giới hạn 70.000 thí sinh là cần thiết để đảm bảo khâu tổ chức được tốt nhất. 

- Như vậy thí sinh đăng ký đợt 2 sẽ thiệt thòi hơn đợt 1 vì chỉ tiêu tuyển sẽ ít hơn?

- Tôi chỉ khẳng định là còn cơ hội vì đến giờ chưa thể đưa ra tỷ lệ chỉ tiêu còn lại bao nhiêu. Tôi tin rằng với thời gian 10 ngày đăng ký với 70.000 chỉ tiêu thì những thí sinh mong muốn đăng ký vào ĐHQG Hà Nội đã được cung cấp cơ hội lớn để vào học.

- Số lượng câu hỏi trong bộ đề được bổ sung như thế nào để đáp ứng 70.000 thí sinh dự thi?

- ĐHQG Hà Nội đã lường trước khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở vật chất, quản lý, điều hành. Số lượng câu hỏi được gia tăng gấp 2 lần với tổng số 8.000 câu hỏi. Chúng tôi cũng có thời gian rà soát, thử nghiệm trong quá trình chuẩn hóa số câu hỏi để đáp ứng số lượng lớn thí sinh dự thi.

Không công bố đáp án, đề thi đánh giá năng lực ảnh 2

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực được bảo lưu kết quả 24 tháng

- Kỳ thi năng lực đã là năm thứ hai, vậy ĐHQG đánh giá sơ bộ thế nào về chất lượng đầu vào theo hình thức đánh giá năng lực thay vì thi 3 chung trước đây?

- Để đánh giá một lứa sinh viên chất lượng như thế nào thì đầu vào chỉ là một trong nhiều yếu tố. Muốn đánh giá cần có điều tra và đợi sinh viên tốt nghiệp mới có đủ căn cứ xác thực. Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh từ giảng viên và thăm dò sơ bộ, các thầy cô rất hứng thú với sinh viên tuyển sinh theo hình thức mới bởi khả năng tiếp thu có phần năng động, toàn diện hơn khóa trước. Đặc biệt, nhóm ngành sinh viên khoa học xã hội được giảng viên đánh giá cao.


- ĐHQG Hà Nội có thể công bố bộ đề nguồn, đáp án để người dân giám sát?

- Bộ đề nguồn thì không trường nào có thể công bố vì nó là tài sản cần bảo mật. Chúng tôi cũng đã thông báo trong khâu tuyển sinh rằng sẽ không công bố đáp án. Việc không công bố đáp án, không tiến hành phúc khảo là bởi kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều điểm khác biệt so với cách thi truyền thống.

Đây là bộ đề được sử dụng nhiều lần, luôn được đổi mới. Bộ đề thi này cũng đã qua quá trình thử nghiệm, chuẩn hóa. Trong quá trình kiểm nghiệm, chúng tôi đã rà soát nhiều vòng, vì vậy, chúng tôi thấy không cần thiết phải công bố để mọi người đánh giá, nhận xét.  


- Năm ngoái, tỷ lệ thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhập học ĐHQG Hà Nội không cao, vậy đâu là lý do dẫn tới tình trạng này?

- ĐHQG Hà Nội là đơn vị duy nhất tổ chức thi đánh giá năng lực song song với kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học vào tất cả các trường ĐH, CĐ cả nước. Như thế, tỷ lệ thí sinh ảo cao là điều dễ hiểu. Năm nay, tình trạng này chắc cũng không tránh khỏi nhưng với số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông thì đồng nghĩa với việc ĐHQG Hà Nội có nhiều cơ hội lựa chọn người học tốt hơn.