Không còn chuyện áp đặt khi tu sửa di tích

ANTĐ - Bộ VH-TT&DL vừa có Quyết định cấp chứng chỉ hành nghề bảo quản tu bổ, phục hồi di tích cho 40 kỹ sư, kiến trúc sư, giám sát thi công… Đây được xem như một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tu bổ di tích sai nguyên tắc, thi công ẩu… đã từng gây “sốt” trong dư luận suốt thời gian qua. Xung quanh vấn đề này, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa.

Không còn chuyện áp đặt khi tu sửa di tích ảnh 1
Chỉ cấp chứng chỉ cho người có kinh nghiệm

- PV: Thưa ông, để có chứng chỉ hành nghề, các kiến trúc sư, kỹ sư và những người hoạt động trong ngành tu bổ di tích phải cần những điều kiện gì?

- Ông Trần Thành: Chúng tôi đã cấp thẻ hành nghề này từ năm 2013, đến nay cũng đã được vài ba đợt rồi. Theo quy định tại Thông tư 18 về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì người đó phải có kinh nghiệm tức là đã từng tham gia một số dự án tu bổ, dự án lập quy hoạch và được phê duyệt. Bên cạnh đó, phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư do Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố cấp và đã phải qua một vài chương trình đào tạo chuyên ngành về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do các trường có chức năng cấp.

Không còn chuyện áp đặt khi tu sửa di tích ảnh 2

Chùa Sổ xã Tân Ước, huyện Thanh Oai từng bị tu bổ sai nguyên tắc

- Những loại hình di tích nào khi tu bổ các kiến trúc sư, kỹ sư cần phải có thẻ hành nghề này?
.

- Đó là các loại hình di tích đã xếp hạng cấp tỉnh trở lên. Khi tác động vào di tích theo chủ trương bảo quản, phục hồi buộc phải có đầy đủ các giấy phép cũng như hồ sơ thỏa thuận.


- Vậy còn những di tích chưa được xếp hạng thì nằm ngoài quy định về chứng chỉ hành nghề
tu bổ, thưa ông?

- Theo thông tư 18 cũng như Nghị định 70 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đều ghi rõ tất cả các di tích được xếp hạng đặc biệt cho đến di tích quốc gia về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và cả các di tích đã được kiểm kê đều áp dụng. Hiện tại trách nhiệm này thuộc về UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện kiểm kê di sản. Việc này khó và cũng rất mệt vì nhiều vấn đề từ khoa học cho đến cả sở hữu đất đai…

- Có nhiều ý kiến cho rằng “không cần thiết’ loại hình “giấy phép con” này, quan trọng là trình độ, tâm, tài của người thực hiện tu bổ di tích. Vậy Bộ VH-TT&DL đã phải làm thế nào để thuyết phục và dung hòa các luồng ý kiến?

- Ai cũng biết, hoạt động tu bổ di tích có chất lượng hay không nằm ở nhiều khâu, từ lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, quy hoạch, thi công, lấy ý kiến tham vấn của các nhà khoa học… làm sao lựa chọn được những đơn vị tham gia tu bổ di tích tốt nhất. Thông tư 18 quy định cả việc lấy ý kiến tham góp công khai tại địa phương, chứng chỉ hành nghề cũng chỉ là một khâu, điều này đã nằm trong Luật Di sản Văn hóa ban hành năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009. Về pháp lý là vậy, còn quy định trong quy trình thì chắc chắn phải là người có kinh nghiệm tham gia tu bổ thì mới hạn chế được sai lệch yếu tố gốc. Những kỹ sư và KTS của công ty tham gia tu bổ là người trực tiếp tác động đến di tích. Họ buộc phải có kinh nghiệm mà có kinh nghiệm thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trước đây, khi tiến hành xã hội hóa việc tu bổ di tích đã có nhiều sai lầm là chọn đơn vị thi công, thiết kế một cách rất bừa bãi. Chúng tôi đề cao yếu tố kinh nghiệm là bởi khi tu bổ họ sẽ nắm rõ quy trình chứ không phải cầm cuốc mà cào ngói xuống như một di tích ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua.

Được lựa chọn đơn vị thi công

- Cách đây vài năm, đình cổ Chu Quyến ở Ba Vì (Hà Nội) đã được xem như hình mẫu trong tu bổ di tích. Thế nhưng, sau khi có mẫu rồi vì sao chúng ta vẫn vấp phải những điều đáng tiếc trong thi công, tu bổ?

- Đối với đình Chu Quyến thì đó là vừa tu bổ, vừa thực nghiệm. Việc nghiên cứu chiếm phần lớn. Vừa tu bổ vừa tính toán, hạng mục hạ giải, tu bổ cột xà, một mét vuông bao nhiêu viên ngói, niên đại thế nào, viên ngói nào cổ nhất. Tỉ mỉ là như vậy. Bên cạnh đó là bấm giờ tính công giá, định mức. Đình Chu Quyến thi công quá kỹ và để các tổ chức, cá nhân nhìn vào đó nâng cao hoạt động tu bổ, khoa học hơn. Tất nhiên, không có nghĩa tất cả đều phải theo Chu Quyến.

- Là một nhà quản lý di sản, ông đánh giá như thế nào về chất lượng công tác tu bổ từ khi cấp chứng chỉ hành nghề đến nay?

- Cá nhân tôi đánh giá là tạm yên ổn. Trước kia, các cơ quan quản lý chuyên ngành văn hóa, chủ đầu tư đều muốn chọn một đơn vị tốt để tu bổ nhưng không có quy định nào ràng buộc, nhất là khi sử dụng đồng vốn xã hội hóa. Từ khi có việc cấp chứng chỉ này thì cơ quan quản lý cùng chủ đầu tư đã có thẩm quyền của mình trong việc lựa chọn đơn vị có năng lực nhất, giúp mình trong hoạt động tu bổ. 

- Trước nay vẫn xảy ra tình trạng quyền của chủ đầu tư quá lớn và đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và thi công đều phải thực hiện theo chủ đầu tư mà không được tham vấn chuyên môn. Liệu tình trạng này còn diễn ra không sau khi chúng ta đã có nhiều quy định mới được ban hành?

- Thông tư 18 ra đời đã quy  định rõ, không có chuyện xin - cho cũng như chủ đầu tư áp đặt lên thi công. Việc giám sát chéo khá nghiêm ngặt. Đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cũng chỉ là một bộ phận. Ngoài ra còn có trách nhiệm của Sở 

VH-TT&DL, Ban Quản lý di tích, cộng đồng, nhà khoa học… Và khi đã thực hiện nghiêm việc này thì hoàn toàn không có chuyện “ý chí của người có tiền” cũng như “chiều khách” ở đây. Khâu nào sai sót thì sẽ bị xử phạt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!