Vụ bê tông hầm chui cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cậy được bằng tay:

"Không có việc "rút ruột" công trình"

ANTĐ - Đó là khẳng định của ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ngày 24-5.

- PV: Kết quả kiểm định về khiếm khuyết hầm chui dân sinh (trên địa bàn thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội được người dân phản ánh có thể dùng tay cậy bê tông) có đảm bảo tính khách quan và chính xác, thưa ông?

- Ông Vũ Hữu Thành: Chiều 20-5, đơn vị tư vấn kiểm định là Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng đã kiểm tra cường độ bê tông cống chui bằng phương án siêu âm kết hợp súng bật nẩy. Kết quả kiểm định tại 21 vị trí thì phát hiện có 2 vị trí không đạt yêu cầu về cường độ thiết kế (>25Mpa), cụ thể 2 điểm này chỉ đạt 20 và 23 Mpa.  

Đơn vị kiểm định này là đơn vị độc lập, không thuộc Vidifi cũng không thuộc nhà thầu thi công và đang làm việc cho Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để kiểm định một số hạng mục thuộc dự án này. Ban đầu, nhìn nhận về mặt hiện tượng, các chuyên gia và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng đã kết luận là do bê tông bị mất nước trong quá trình co ngót. 

- Tức là do sơ suất, không phải do chất lượng thi công hay vật liệu?

- Chúng tôi đã kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hồ sơ quản lý chất lượng trong quá trình thi công khi có nghi ngờ bê tông kém chất lượng. Nhưng kết quả rà soát cho thấy, tất cả các mẫu bê tông trong quá trình thi công đều đạt yêu cầu. Do vậy, có thể khẳng định, ở đây không có vấn đề về chất lượng bê tông hay “rút ruột” xi măng, hay trộn cẩu thả hoặc dùng đá chất lượng kém. Vị trí bị khiếm khuyết cũng không ảnh hưởng tới kết cấu công trình, đây chỉ là lớp bê tông bảo vệ. 

Hầm chui dân sinh thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm bị nghi ngờ kém chất lượng

- Dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có bao nhiêu hầm chui dân sinh, các hầm khác có hiện tượng này không? Liệu có phải Vidifi chỉ quan tâm đến bề mặt cao tốc, còn một số hạng mục phụ như hầm chui dân sinh thì xem nhẹ?

- Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng số 111 hầm chui dân sinh, trung bình mỗi hầm chui có giá trị đầu tư 3,5 tỷ đồng. Số tiền đầu tư rất lớn và trong mỗi hạng mục đầu tư, Vidifi đều cẩn trọng, quan tâm rất kỹ. Chúng tôi đầu tư tuyến đường này và sẽ vận hành, quản lý 30 năm chứ không phải đầu tư xây dựng xong thì bàn giao cho đơn vị khác. Do đó, nếu chất lượng kém, dân cư xung quanh không hài lòng thì trong quá trình chúng tôi quản lý, vận hành phải chịu áp lực lớn.

Do đó, từng hạng mục dù nhỏ đều được quan tâm chứ không phải chủ đầu tư chỉ quan tâm đến làm mặt đường thật đẹp, còn các hạng mục phụ trợ nhỏ khác thì xem nhẹ. Tới nay, qua kiểm tra, các hầm chui khác chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Một số hầm chui phía đầu Hải Phòng đã đưa vào khai thác 1 năm nay và chất lượng vẫn đảm bảo. 

- Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đạt lượng khai thác như thế nào? Vidifi có chính sách gì để thu hút dòng phương tiện trên QL5, đặc biệt là xe khách và xe container?

- Hiện tại, lưu lượng phương tiện trên cao tốc từ 1-1-2016 đến nay đạt trung bình hơn 16.000 lượt xe/ngày, trong đó lưu lượng xe có thu phí đạt khoảng 15.000 lượt, doanh thu đạt trung bình 1,9 tỷ đồng/ngày. Tổng lượng xe đã phục vụ từ đầu năm tới nay đạt 2,3 triệu lượt xe, tổng doanh thu 270 tỷ đồng.

Để thu hút xe khách và container đi vào cao tốc, giảm tải cho QL5, từ 1-4-2016, Vidifi đã giảm 35% mức phí cho đối với xe container loại 5. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai hệ thống thu phí trả trước. Lái xe hoặc doanh nghiệp sẽ mở tài khoản, xe đi qua sẽ chỉ việc quẹt thẻ, hệ thống sẽ tự động trừ tiền. Cuối tháng, chúng tôi sẽ gửi bản cước phí này đến khách hàng.