Không có “tuần trăng mật” cho tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Ông Joe Biden đón bình minh ngày 21-1-2021 với tư cách tân Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Song, có lẽ ông khó có thể tận hưởng bầu không khí dễ chịu của giai đoạn thường được xem là “tuần trăng mật ngọt ngào” của một vị tân Tổng thống như thường thấy, bởi vô số những thách thức, khó khăn đang đặt ra trước mắt...
Tân Tổng thống Joe Biden phải bắt tay hành động khẩn trương để vượt qua những khó khăn và thách thức nhằm xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn như cam kết tranh cử

Tân Tổng thống Joe Biden phải bắt tay hành động khẩn trương để vượt qua những khó khăn và thách thức nhằm xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn như cam kết tranh cử

Chống đại dịch, hàn gắn chia rẽ trong lòng nước Mỹ

Ngay trong ngày đầu tiên giữ cương vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden đã phải “xắn tay áo” hành động với một chương trình nghị sự dày đặc. “Tuần trăng mật” của ông bắt đầu với hàng loạt sắc lệnh được ký ban hành nhằm đảo ngược những chính sách đối nội và đối ngoại của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Joe Biden tiếp quản Nhà trắng trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức lớn, trong đó có những thứ mà cường quốc này chưa từng gặp phải trong lịch sử. Trước hết,

Covid-19 được coi là đại dịch “vô tiền khoáng hậu” biến nước Mỹ thành vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 25 triệu người mắc bệnh và hơn 410 nghìn người tử vong (tính tới ngày ông Biden nhậm chức). Cùng với đại dịch gây họa chưa từng thấy khiến kinh tế - xã hội nước Mỹ đảo lộn, tân Tổng thống còn phải bắt tay ngay vào việc hàn gắn sự chia rẽ, rạn nứt sâu sắc trong lòng nước Mỹ do những hệ quả mà cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua mang lại. Cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021 được coi là “ngày đen tối nhất” trong lịch sử (cách gọi của báo chí Mỹ) ngay tại nơi mang tính biểu tượng quốc gia như đồi Capitol, khiến ông càng phải hành động khẩn trương hơn để khôi phục niềm tin của người dân vào chính trường Mỹ.

Nhằm thực hiện những cam kết tranh cử - điều mà cử tri Mỹ tin tưởng để dành phiếu cho một ứng cử viên Tổng thống - ông Joe Biden sẽ ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong những ngày làm việc đầu tiên. Trong những chính sách đối nội, Tổng thống Joe Biden cho triển khai kế hoạch chống dịch Covid-19 với dự kiến chi 415 tỷ USD vào công tác phòng dịch, trong đó có 50 tỷ USD chi cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia. Chính quyền mới sẽ huy động gần như tất cả số vaccine dự trữ để giúp đạt được mục tiêu mà ông Biden cam kết trước đó với người dân Mỹ là họ sẽ được được tiêm trong 100 ngày đầu tiên khi ông lên nắm quyền.

Tân Tổng thống Mỹ cũng nỗ lực triển khai sớm nhất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để đưa nước Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch. Gói kích thích mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” này bao gồm nhiều biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới, ví dụ như mỗi người dân Mỹ được trợ cấp thêm 1.400 USD; trợ cấp thất nghiệp tăng từ 300 USD/tuần/người thành 400 USD/tuần/ người; nâng gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ. Ông Joe Biden cũng làm việc với Quốc hội để đảo ngược chính sách hạn chế nhập cư gây tranh cãi của chính quyền tiền nhiệm, đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo. Theo đó, công bố dự luật nhập cư mới mở ra cơ hội trở thành công dân Mỹ cho khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ hiện nay.

Khôi phục vai trò dẫn dắt của nước Mỹ

Đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại được thực thi trong 4 năm qua cũng là ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Mỹ trong những ngày “tuần trăng mật”. Một trong những hành động đầu tiên mang tính biểu tượng đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ là ông Joe Biden ký sắc lệnh đưa quốc gia này quay trở lại Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu (4 năm trước, ông Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước này từ những ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ). Ông Joe Biden luôn nhất quán khẳng định mong muốn khôi phục vị thế, vai trò dẫn dắt của nước Mỹ trên trường quốc tế. Vị chủ nhân mới của Nhà Trắng thậm chí từng cam kết tung ra một “cơn sóng thần” những đổi thay so với chính quyền tiền nhiệm trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế.

Đi vào những chính sách sách đối ngoại quan trọng của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của mình, ông Joe Biden vốn là người theo “chủ nghĩa Đại Tây Dương” mạnh mẽ nhất trong 100 năm trở lại đây cam kết ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là liên minh quân sự NATO cũng như mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) vốn bị không ít va chạm, sứt mẻ trong 4 năm qua.

Quan hệ Mỹ - Nga được cho là cũng có những thay đổi quan trọng dưới chính quyền ông Joe Biden. Tân Tổng thống Mỹ đã không ít lần khẳng định rằng, ông sẽ gia tăng sức ép lên Matxcơva. Chính sách đối ngoại với Nga vì thế cứng rắn hơn, ví dụ như đưa ra cáo buộc chống lại Nga về vấn đề nhân quyền, ủng hộ Ukraine và các nước Đông Âu nhằm gây áp lực với Nga ở hướng Đông, hợp tác với các thành viên NATO ở châu Âu để răn đe Nga…

Tuy nhiên, không như nhiều chính sách khác trong lĩnh vực đối ngoại, quan hệ với Trung Quốc được xem là khó có nhiều thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Cho dù có quan điểm khác biệt hoàn toàn với người tiền nhiệm, song ông Jode Biden lại chia sẻ cách thức ứng phó với một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa vị thế của nước Mỹ như Trung Quốc. Ông cho rằng cần phải thực thi chính sách cứng rắn để kiềm chế Bắc Kinh.

Ông Tony Blinken - người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ - trong phát biểu trước Thượng viện ngày 19-1 đã cho thấy sự tiếp nối chính sách cứng rắn với Bắc Kinh khi cho rằng ông Donald Trump “đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Nhiều chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ cũng sẽ đảo ngược dưới thời chính quyền mới. Ông Joe Biden đã công khai khẳng định sẽ sớm khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng ứng phó đại dịch Covid-19; xem xét tham gia trở lại Thỏa thuận hạt nhân với Iran hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Có thể thấy, hầu như chẳng có dư vị ngọt ngào nào trong “tuần trăng mật” của tân Tổng thống Joe Biden để hành động ngay nhằm “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” như cam kết xuyên suốt chiến dịch tranh cử. Tất nhiên, biến những cam kết tranh cử thành chính sách thực thi trên thực tế luôn là một điều không dễ dàng. Và ông chủ mới của Nhà trắng chắc chắn sẽ phải chịu nhiều áp lực, thách thức trong quá trình này.