Không có “thực” mà... dụng

ANTĐ - Nghe ve kêu râm ran, thấy phượng đỏ rực lại giật mình thương cho hàng triệu học trò đang “nấu sử sôi kinh” cho cuộc thi... mười mất, một còn.

- “Người khôn, của khó”. Cuộc chạy nước rút vào cánh cửa hẹp đại học ngày càng khốc liệt, đâu có ngon lành như thời mình.

- Công nhận bọn trẻ bây giờ “khôn ranh” hơn ông cha ngày trước. Đa phần chỉ lao vào ngành kinh tế, ngân hàng, quản trị, chứ chẳng dại gì “đâm đầu” vào các ngành khoa học, xã hội và nhân văn.

- Vì sao bọn trẻ lại quay lưng với ngành xã hội - nhân văn thế nhỉ?

- Có thế mà cũng phải hỏi! Chúng cứ nhìn vào xã hội mà suy ra. Nhân văn thì lấy gì mà ăn, chỉ được cái hư danh, trong khi lối sống vật chất xa hoa đập vào mắt giới trẻ hàng ngày.

- Không nên đổ tội lên đầu bọn trẻ, hầu như trào lưu xã hội quá trọng đồng tiền, “kẻ giàu là kẻ mạnh”. Chứ không phải người có tri thức, có văn hóa, có học vấn là kẻ mạnh.

- Xã hội và cả gia đình cùng tạo ra sức ép lên lớp trẻ. 

- Quá khổ! Thi vào khối ngành kinh tế, ngân hàng, quản trị, vừa “oai” vừa sang, lại vừa “đẹp mặt” cho cả cha mẹ, họ hàng, làng xóm.Còn khoa học xã hội và nhân văn thì…

- Nóng nôi, bức bối thế này, nói ra làm gì thêm ngột ngạt. Nói cho gọn là lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, coi nhẹ tinh thần đang “đánh” mạnh đầu óc, tâm lý giới trẻ.

- Suy cho cùng thực dụng chẳng qua cũng từ thực tế mà ra. Đời mình thiếu thực tế cho nên không có “thực” mà… dụng.