Không có thời gian để... thất nghiệp

ANTĐ - Trong khi các nước khác của EU đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp trong thanh niên cao kỷ lục, thì tại Đức và Áo, hơn 50% số người rời khỏi các cấp học có thể tìm được việc làm mà không phải trải qua một khoảng thời gian thất nghiệp.
Không có thời gian để... thất nghiệp ảnh 1

80% nhân lực ở Áo đều xuất phát từ học nghề

Lực đẩy thanh niên vào thị trường lao động

Khi 15 tuổi, Max Minderl không biết mình muốn làm nghề gì trong tương lai. Đầu tiên, anh ghi danh vào một trường dạy nấu ăn, một năm sau, anh đổi sang học một trường thương mại. “Nói thật, bản thân tôi có chút lười biếng. Điểm số không được tốt cho lắm”, Max thừa nhận. Tháng 10 năm ngoái, vì sự quyết liệt của mẹ mình, Max, hiện 17 tuổi, ghi danh vào chương trình 700 suất học nghề mà Rewe International AG, một tập đoàn thực phẩm và dược phẩm lớn ở Áo tổ chức mỗi năm. Max Minderl đã trải qua 2 mùa hè làm việc tại đây và giờ anh nghĩ rằng một vị trí bán hàng tại Wiener Neudorf, trụ sở của hãng ở Áo có lẽ phù hợp với anh hơn cả.

So với các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc chuyển đổi từ cấp trung học sang thị trường lao động ở Áo diễn ra tương đối trơn tru - ngay cả đối với những người không có động lực ban đầu như Max. Trong khi các nước khác của EU đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp trong thanh niên cao kỷ lục, thì tại Áo với chương trình học nghề phát triển lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2013, các nước có chương trình học nghề ưu việt tạo được việc làm và giữ chân những người trẻ tuổi tốt hơn. Trong năm 2013, tỷ lệ thanh niên Áo từ 15 đến 29 tuổi không có việc làm hay học hành, đào tạo (NEET) là khoảng 10%, dưới mức trung bình 15% của OECD.

Thêm vào đó, hơn 50% số người rời khỏi các cấp học ở Đức và Áo có thể tìm được việc làm mà không phải trải qua một khoảng thời gian thất nghiệp. “Lực đẩy” chính là hệ thống kép giữa giáo dục truyền thống và đào tạo nghề. Thanh niên như Max thường ở khoảng 15 tuổi, nếu không hứng thú với việc học hoặc không đủ lực thi vào đại học có thể học nghề, rồi vừa đi làm vừa học. Tại Áo, các đối tượng này chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Như Max đã học một kỳ ở trường nghề trong năm ngoái, trong khoảng 3 năm, anh hy vọng có thể nhận được bằng tốt nghiệp.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực

Hầu hết cử nhân đại học ở Áo gia nhập lực lượng lao động với tư cách là thực tập sinh hay người phải trả phí đào tạo. Christian  Meister, Trưởng phòng Nguồn nhân lực của Công ty Rewe Austria cho biết, bản thân ông cũng là một cựu thực tập sinh. Hiện ông đảm trách công việc tuyển dụng nhân lực cho công ty ở 7 quốc gia Trung và Đông Âu khác. Những quốc gia này không có hệ thống giáo dục kép, vì thế các đơn đăng ký tuyển dụng mà ông nhận được thường vượt quá năng lực được đào tạo. Ví dụ, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chỉ dự tuyển ở vị trí tiếp tân, “công việc này không cần thiết phải có bằng đại học, nhưng đó là một thực tế phổ biến”, ông Meister cho biết.

Theo Martina Ernst, người đứng đầu bộ phận nguồn nhân lực tại Erste Group Bank, Erste Bank tuyển khoảng 25 học viên học nghề mỗi năm, chưa kể thực tập sinh từ các trường đại học. Hai chuyên gia Rewe và Erste cho biết, công ty của họ đều có những chương trình tiếp tục đào tạo nhân viên, giúp các doanh nghiệp duy trì một lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết không chỉ tại thời điểm này mà còn trong tương lai. Các nghiên cứu của EU còn cho thấy, chuyện “nhảy việc” hay thay thế nhân viên ở các nước có hệ thống giáo dục kép ít xảy ra hơn so với các quốc gia khác. 

 Tuy nhiên, chế độ vừa học vừa làm không phải là không có hạn chế. Khi công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu về lao động tay nghề cao tăng lên nên đào tạo nghề phải liên tục cải tiến để thích ứng với sự thay đổi công nghệ. Ngoài ra, 2 năm trước, Ludger Wössmann, một nhà kinh tế tại Viện Ifo ở  Munich đã chỉ ra rằng việc thiên về đào tạo nghề cũng có nhược điểm là những kỹ năng được đào tạo thời trẻ sẽ trở thành bất lợi khi người lao động ở tuổi 50. Sự thật là ở Áo hiện giờ, 16,8% người lao động trên 50 tuổi đang thất nghiệp. 

Max Minderl đã có kế hoạch cho một tương lai gắn với Rewe. Cậu muốn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực thu mua, có lẽ là bia hay pho mát. Max hào hứng khi tìm được việc làm mà mình yêu thích và điểm số ở trường của cậu đã được cải thiện. “Các đồng nghiệp ở đây rất tuyệt, họ còn trẻ và rất hòa đồng. Mục tiêu tiếp theo của tôi là kết thúc chương trình học nghề với số điểm cao và ở lại đây”, Max vui vẻ nói.