Người đẹp Vầng trăng khuyết 2013 - Nguyễn Thị Ánh Ngọc

Không có thời gian để đau khổ

ANTĐ - Sau nhiều lần hẹn, tôi đến thăm Nguyễn Thị Ánh Ngọc tại căn phòng trọ của cô. Một căn phòng trọ nằm trong con ngõ nhỏ cạnh trường Đại học KHXHNV, nơi cô đang theo học. Nguyễn Thị Ánh Ngọc - vừa đoạt giải nhất cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2013. Người con gái bị liệt từ thắt lưng trở xuống và mọi sinh hoạt học tập đều cần có sự trợ giúp của người khác ấy đã vượt qua bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu mặc cảm để thành công trong cuộc sống, để truyền lửa cho cộng đồng. Đối diện với cô chính tôi cũng sững sờ trước nụ cười trong veo, nụ cười như chưa từng bao giờ đau khổ.

- Bạn có nụ cười tỏa sáng. Có bao giờ bạn buồn về khuyết tật nặng nề?

- Từ khi sinh ra tôi đã bị vẹo cột sống bẩm sinh. Để khắc phục, Viện Nhi Trung ương đã cho tôi mặc một chiếc áo nẹp chỉnh hình. Chiếc áo chỉnh hình cứng như một chiếc áo giáp. Nhờ nó, tôi đã có 8 năm đi học và 8 năm luôn làm lớp trưởng và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên việc mặc áo chỉnh hình không khắc phục được bệnh vẹo cột sống. Đến năm 14 tuổi, tôi là 1 trong 8 bệnh nhân được chọn đưa sang Bệnh viện Việt - Pháp phẫu thuật nắn chỉnh cột sống nhưng cũng là bệnh nhân duy nhất phẫu thuật thất bại, kết quả tôi bị tổn thương tủy sống, liệt từ thắt lưng trở xuống.

Cứ 2.000 ca phẫu thuật nắn chỉnh cột sống trên thế giới thì chỉ có 1 ca thất bại, và tôi rơi vào con số 1 khốn khổ ấy. Thật sự khi tỉnh lại, thấy nửa dưới của mình bất động tôi chưa kịp nghĩ đến sau này không bao giờ còn đứng dậy được. Điều đầu tiên là tôi lo lắng khi thấy bố mẹ tôi đau khổ. Tôi phải cố tỏ ra vui vẻ để an ủi bố mẹ tôi. Sau này khi hiểu ra tình trạng của mình tôi cho đấy là số mệnh. Đã là số mệnh thì không có nếu hay không nếu, không có hối hận hay tiếc nuối. Nếu ca phẫu thuật thành công thì sao? Liệu tôi có học hành tốt để trở thành người có ích như bây giờ không? Và vì ca phẫu thuật không thành công như mong muốn của gia đình và các thầy thuốc thì chính mình phải làm giảm nỗi ân hận của họ, những người đã vì mình mà hy sinh, mà cố gắng. Tôi không có quyền oán trách ai cả và cũng không ân hận về quyết định của mình. Tôi cảm ơn tất cả vì đời đã sinh tôi ra để có một tôi của ngày hôm nay. 

- Sau khi biết chính thức mình bị liệt và liệt vĩnh viễn, cảm giác của bạn thế nào?

- Tôi không có thời gian để khổ đau. Tôi chỉ có 1 giây để cảm nhận về sự thật và mất 1 giây sau đó để quyết định cuộc đời mình sẽ đi theo hướng nào. Chỉ còn một cách là nói rằng “con rất ổn” để động viên bố, mẹ tôi vượt qua giây phút này. Tôi nghĩ tới nhiều trường hợp những người khuyết tật bẩm sinh đã ôm nỗi mặc cảm, tự ti để cả đời sống một cuộc sống buồn tẻ và theo sự sắp đặt của người khác. Tôi phải tìm mọi cách để cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn là chuỗi ngày dài sống trong sự não nề, đau đớn của gia đình cộng thêm những giọt nước mắt của bản thân nữa. 

- Bây giờ bạn là người thành đạt, bạn nghĩ như thế nào về gia đình, về mẹ?

- Bố mẹ nào cũng lo lắng cho con. Con dù lớn, thành đạt cũng vẫn là đứa con nhỏ bé trong lòng cha mẹ. Bố tôi trước đây đi lái xe thuê còn mẹ tôi làm phụ xe, dù vất vả nhưng cha mẹ vẫn luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để tôi phát triển. Nhất là mẹ, người là chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất cho tôi. Việc tôi đạt được Giải nhất Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết là một thành công của tôi. Bố mẹ tôi tự hào về tôi trước hết không phải vì chức danh đó mà vì trách nhiệm và thái độ sống của tôi đối với cuộc sống này. Nhưng cha mẹ tôi vẫn còn lo lắng nhiều lắm. Tôi chỉ mong sao để cái phần lo lắng ấy ngày càng ít đi để cái phần yên tâm tăng lên nhiều hơn. 

- Khi đăng quang Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2013, gánh nặng gì mà bạn phải mang đối với người khuyết tật?

- Xin lỗi, có lẽ tôi hơi nhạy cảm với từ ngữ. Tôi không thích dùng từ gánh nặng và theo tôi vốn dĩ đó không phải là gánh nặng mà đơn giản chỉ là những việc cần phải làm trong đời sống của tôi. Tôi đã được chọn lựa làm Người đẹp Vầng trăng khuyết với tôi là đã lựa chọn công việc cho chính mình, đó là hiến dâng cuộc sống này để làm bớt đi đau đớn, mang lại niềm vui cho những người khuyết tật. Tôi sẽ làm hết sức mình cho mục đích đó. Người khuyết tật chúng tôi vẫn có thể là người đẹp, không phải là vẻ đẹp đơn thuần về nhan sắc để khoe khoang, phơi bày mà là người đẹp tự tin có thể vượt qua mọi khiếm khuyết để bình đẳng với mọi người. Tôi đã tin điều đó và tôi phải là người truyền niềm tin cho những người khuyết tật để họ tìm thấy một nguồn ánh sáng, một mục đích cho cuộc sống của họ. 

- Vâng, tôi xin lỗi vì có thể đã chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” đối với bạn. 

- Không… không có gì (Cười). Nhân đây tôi xin bàn về sự mặc cảm của người khuyết tật. Người khuyết tật rất ghét sự thương hại. Nhưng theo quan điểm của tôi lại khác. Tôi không có khái niệm về sự thương hại hay không thương hại mà điều quan trọng nhất là thái độ hoặc hành động của người khác có giúp đỡ được mình lúc này không. Tôi là người vô cùng thực tế. Cần phải thay đổi thái độ về sự “thương hại” ngay trong tâm lý người khuyết tật. Bởi vì mọi sự giúp đỡ đều cần thiết cho người khuyết tật. Như vậy cái câu chuyện về sự mặc cảm khuyết tật là từ hai phía và sự thay đổi cũng phải từ hai phía. Một bên cần cảm thông hơn với người khuyết tật, và người khuyết tật cũng đừng mặc cảm bị thương hại.

- Bạn có kế hoạch nào trong tương lai để giúp đỡ người khuyết tật?

- Trước đây, tôi đã có ước mơ thành lập Trung tâm trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật. Tôi thấy nhiều nơi đưa ra các mô hình dành riêng cho NKT nhưng tôi thấy điều đó chưa thật đúng. Bởi nếu NKT sống trong môi trường toàn NKT thì bỗng nhiên khu biệt họ và mặc định họ không thể làm được những điều mà người bình thường có thể. Cần tạo ra những môi trường mà cả NKT và người không khuyết tật có thể sử dụng được. Lúc đó, thế giới sẽ rộng lớn hơn rất nhiều và người khuyết tật có thể tiếp thu được, làm được nhiều điều lớn lao hơn.  Mặt khác cần phải cung cấp kiến thức cho chính những người khuyết tật và không khuyết tật  về người khuyết tật ngay từ khi còn nhỏ để họ thấy được khả năng của mình và tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc dẫn đến một đời sống mà trong đó mọi người khu biệt người khuyết tật. Tôi còn mong muốn được giúp đỡ họ về tình yêu hôn nhân đối với người khuyết tật thông qua dự án tư vấn tâm lý này. 

- Bạn có người yêu chưa?

- Đã từng có (Cười). 

- Tại sao 2 người lại chia tay? 

- Bởi vì anh ấy quá bận rộn mà tôi thì cũng giống bao người con gái khác cần sự sẻ chia, chăm sóc yêu thương. Tôi nghĩ có lẽ do tôi đi học còn anh ấy đi làm cho nên mỗi người có một cuộc sống riêng. Nếu như anh ấy quá bận rộn thì tôi tôn trọng cuộc sống riêng của anh ấy và cũng tôn trọng cuộc sống của riêng mình. Không phải cứ có đàn ông thì mới sống được. 

- “Người ấy” của bạn có phải là người khuyết tật không? 

- Ồ, không. Tôi chưa nhận được lời tỏ tình nào của người khuyết tật. Cơ hội do chính mình tạo ra, tình yêu do chính mình nắm lấy. Đã là tình yêu thì không có khuyết tật hay không khuyết tật. Tôi đã gặp trường hợp, cậu bạn yêu cô gái khuyết tật nhưng không dám chạm vào người cô ấy vì cậu ta sợ cô ấy đau, cho rằng cô gái mong manh dễ vỡ, chỉ cần chạm nhẹ là đã tổn thương cô ấy. Nhưng có ai tổn thương đâu. Đừng vì khuyết tật mà cho rằng cô ấy là thánh thần, là búp bê dễ vỡ. Trong tình yêu, không âu yếm, chăm sóc nhau mới làm tổn thương nhau. 

Vì vậy mà tôi rất mong mỏi, các chương trình truyền thông về tình yêu, hôn nhân người khuyết tật hiện nay cần có một kênh thông tin riêng để tư vấn cho cả người khuyết tật và người không khuyết tật về tình yêu đối với người khuyết tật. Để họ biết làm gì với tình yêu của mình. Biết đâu, duyên trời lại se một bạn gái bình thường với một anh chàng khuyết tật, đến khi ấy chắc chắn bạn ấy hẳn sẽ bối rối lắm. 

- Bạn có tin sẽ có hạnh phúc không?

- Nếu hạnh phúc là sự vừa lòng với đời sống hiện tại thì tôi đang là người hạnh phúc và với sự cố gắng của mình tôi tin sẽ có hạnh phúc trong tương lai.

- Xin cảm ơn bạn. Xin chúc bạn sớm thực hiện được dự án thành lập Trung tâm trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật.