Không có kế hoạch dài hơi, nhiều điểm du lịch "vỡ trận" vì quá tải

ANTD.VN - Kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày cùng với thời tiết nắng nóng, các tour du lịch ngắn ngày được đông đảo người dân và du khách ưu ái lựa chọn. Do lượng khách đổ về quá đông, khiến hàng loạt tụ điểm du lịch từ Bắc vào Nam lâm vào trạng thái “vỡ trận”, không đáp ứng được mong đợi của du khách.

Trên khắp các trang mạng xã hội, người dân chia sẻ các hình ảnh phụ huynh “nghẹt thở” đưa con đi chơi Công viên Thủ Lệ (Hà Nội), du khách “nối đuôi nhau” chờ mua vé đi thuyền ở Tràng An hay mua vé cáp treo ở Fansipan, ken đặc người trên biển Sầm Sơn, Đà Lạt “cháy” phòng khách sạn...

Không có kế hoạch dài hơi, nhiều điểm du lịch "vỡ trận" vì quá tải ảnh 1Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghịt người trong dịp lễ

Quá tải: không còn là chuyện lạ

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, mới sáng sớm 29-4, do quá nhiều du khách đổ về dịp nghỉ lễ, đoạn đường lên thị trấn Tam Đảo kẹt cứng nhiều kilomet, du khách phải “chôn chân” tại đây nhiều giờ đồng hồ. Đáng chú ý, ngày 30-4 trùng với Rằm tháng 3 (Âm lịch) nên các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cũng xảy ra tình trạng “quá tải”. Khách hành hương liên tục đổ về chùa Linh Ứng trong sáng 30-4 đã kéo theo tình trạng ùn tắc ở nhiều điểm thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tại bãi gửi xe, người dân và du khách đã phải xếp hàng dài chờ tới lượt, bãi để xe ô tô, xe khách, taxi không còn chỗ trống. Cùng thời điểm, du khách mọi miền tấp nập đến tham quan Bà Chúa xứ Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang khiến các ngả đường chật kín xe cộ.

Trong những năm gần đây, cứ vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cảnh người dân và du khách ken đặc trên bãi biển không còn là một hiện tượng lạ. Đầu giờ chiều 28-4-2018, dòng người từ khắp nơi ồ ạt di chuyển về khu vực Sầm Sơn (Thanh Hóa) khiến các bãi tắm càng lúc càng đông đúc, sôi động. Bãi biển Nha Trang cũng đông nghịt du khách và người dân tắm biển. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 4 ngày nghỉ dịp lễ 30-4 và 1-5, Khánh Hòa đón khoảng 135.000 lượt khách lưu trú, tăng hơn 107% so với dịp nghỉ lễ năm 2017. Còn theo ông Trần Văn Thọ, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Quốc, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, lượng khách đến với Phú Quốc rất đông, các khách sạn với hơn 12.500 phòng nghỉ đã kín khách từ nhiều ngày trước.

Nhiều tụ điểm du lịch khác cũng “tắc nghẽn”, như khu du lịch Bãi Cháy đông nghịt người, du khách “rồng rắn lên mây” chờ mua vé đi thuyền ở Tràng An, Cát Bà “thất thủ” vì du khách ào ạt đến, Đà Lạt “cháy phòng” khách sạn... Những hình ảnh các điểm đến quá tải được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội đã khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: đây là đi du lịch hay “hành xác”?

Dư luận cũng xôn xao bởi công viên Thủ Lệ với lượng khách tăng gấp 10 lần, dù được bố trí nhiều thùng rác nhưng vẫn có tình trạng xả rác bừa bãi; hay, sau lễ hội pháo hoa tưng bừng náo nhiệt, đường phố Đà Nẵng ngập tràn rác trông phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

Đòi hỏi biện pháp cảnh báo lượng khách dịp cao điểm

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Công ty Vietrantour cho biết, do lịch nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, những du khách có nhu cầu đi du lịch quá “sát nút” mà không mua được vé máy bay có thể đã chuyển sang các chương trình du lịch theo đường bộ như đến Hạ Long, Tam Đảo, Sầm Sơn..., dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường.

Bà Nguyễn Thị Huyền nhận định, giống như những năm trước, tình trạng quá tải tại các điểm đến đợt nghỉ lễ năm nay dẫn đến “cháy” phòng, và do nhiều người có thói quen đi du lịch tự phát, ngẫu hứng, không mua tour hay đặt trước nhà hàng, khách sạn nên khó kiểm soát chất lượng cũng như giá dịch vụ.

Để tránh tình trạng này, một cơ chế cảnh báo về tình trạng quá tải tại điểm đến là cần thiết. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng biện pháp bán vé tại điểm vui chơi theo khung giờ, nếu điểm vui chơi đó chỉ có sức chứa nhất định trong một thời điểm. Đây là một biện pháp hữu hiệu, văn minh, tránh gây quá tải đồng thời bảo vệ được cảnh quan mà Việt Nam có thể áp dụng được ngay tại các cáp treo, công viên; điểm tham quan, di tích…

Kiểm soát số lượng khách tại các điểm vui chơi công cộng khó hơn, song không phải “thấy khó thì bỏ”. Các địa phương có thể dự báo về lượng khách sẽ tới điểm đến trong dịp cao điểm thông qua số liệu báo cáo của các khách sạn, nhà hàng và lan tỏa thông tin này để du khách cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Dẫu biết hầu hết các địa phương đều muốn khách đến càng đông càng tốt, song họ lại chưa lường trước được những rủi ro về an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, hay ảnh hưởng tới chính trải nghiệm của du khách”, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định.

Có thể nói, bất cứ ai có ý định đi du lịch cũng cần trở thành một du khách thông thái, đó là chủ động tìm hiểu về tình trạng điểm đến, lên kế hoạch chọn cho mình một hành trình phù hợp: “vừa túi tiền” và vừa có nhiều kỷ niệm thay vì “nước đến chân mới nhảy” hay phải bực dọc, mất vui vì chen lấn.