Không có dịch bệnh ngoài da ở các xã ngập úng huyện Chương Mỹ

ANTD.VN - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, đến thời điểm này chưa phát sinh dịch bệnh tại các xã bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ, các dịch bệnh khác cũng không có diễn biến gì bất thường...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung kiểm tra công tác đáp ứng y tế tại vùng ngập úng huyện Chương Mỹ

Mấy ngày gần đây, một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin tại các xã bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), bên cạnh hàng chục bệnh nhân đau mắt đỏ, tiêu chảy, đã ghi nhận hàng gần 700 ca mắc bệnh ngoài da như viêm nhiễm, lở loét...

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này ngày 6-8, ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện (TTYT) huyện Chương Mỹ khẳng định, thông tin hàng trăm người dân vùng ngập lụt bị bệnh ngoài da như vậy là không chính xác. Thực tế, qua tổ chức khám sàng lọc cho gần 2.000 người dân 3 xã bị ngập úng ở Chương Mỹ đến thời điểm này, cũng phát hiện một số bệnh nhân đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da nhưng con số chỉ khoảng vài chục trường hợp…

Hiện nay, TTYT huyện Chương Mỹ đã tổ chức cấp phát thuốc, hóa chất cho các xã bị ngập úng gồm: 4.688 túi thuốc; 5 túi thuốc cứu trợ; 15.200 lọ thuốc tra mắt Cloramphenocol 0,4%; 4.400 tuýp thuốc ngoài da Tomax 6g; 4.400 tuýp thuốc ngoài da Korcin 8g; 5.740 túi Cloramin B25%; 2.740 túi phèn chua…

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 6-8, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố từ ngày 30-7 đến 5-8, trong đó nêu rõ tình hình dịch bệnh tuần qua không có gì đặc biệt. Báo cáo do ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ký khẳng định: “Không phát sinh dịch bệnh tại các xã bị ngập lụt”.

Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 35 trường hợp sốt xuất huyết dengue, 20 trường hợp mắc sởi, 77 trường hợp mắc tay chân miệng... Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ của năm 2017 (giảm 97,4%) nhưng ở tuần qua đã có dấu hiệu gia tăng so với các tuần trước. Đặc biệt, bệnh sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng nhưng chưa ghi nhận ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu TTYT dự phòng Hà Nội và các bệnh viện Da Liễu, Mắt... phối hợp với TTYT huyện Chương Mỹ và Quốc Oai triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát.

Sáng nay, 6-8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Giám đốc Sở Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND huyện Quốc Oai về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các xã bị ngập úng trên địa bàn. 

Thông tin với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, trên địa bàn huyện có 5 xã bị ngập úng do cơn bão số 3 gây ra bao gồm xã Cấn Hữu, xã Phú Cát, xã Liệp Tuyết, xã Tuyết Nghĩa và xã Ngọc Liệp, trong đó xã Cấn Hữu và xã Phú Cát có số hộ bị ngập nhiều nhất. Tuy nhiên cho đến hết ngày 5-8, chỉ còn hơn 20 hộ ngập tại xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu.

UBND huyện đã chỉ đạo TTYT, phòng y tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn xử lý về môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đấy. Đồng thời, chú trọng việc khám, điều trị bệnh cho người dân. Nhờ đó, đến thời điểm này, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện. 

Sau khi kiểm tra thực tế tại xã Cấn Hữu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị TTYT huyện Quốc Oai chỉ đạo các trạm y tế cần tập trung hướng dẫn các hộ gia đình tổng vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về da, mắt; hướng dẫn và tăng cường tuyên truyền cho các hộ gia đình tiếp tục quản lý trẻ nhỏ và phòng tránh đuối nước cho trẻ. Đặc biệt, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ không để xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… 

TS. Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu các bệnh viện như Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, TTYT huyện tiếp tục chủ động công tác khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện tiếp tục trở lại sinh hoạt và lao động.