Không có chuyện đồng hồ điện dừng lại

ANTĐ -  Giá điện tăng cao khiến không ít người dân tìm đến các giải pháp tiết kiệm điện. Đơn giản, gọn nhẹ nhất là mua các thiết bị được giới thiệu là giúp tiết kiệm điện năng. 

Cơ quan chức năng xác định nhiều thiết bị làm đồng hồ điện dừng lại thực chất là ăn cắp điện

Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội không cấp bất kỳ chứng chỉ nào liên quan tới thiết bị tiết kiệm điện mang tên Power.tune sau khi nhận được những phản ánh của khách hàng. Thiết bị trên không có khả năng tiết kiệm được 25% hóa đơn tiền điện như quảng cáo.

Với lời quảng cáo hấp dẫn, ổ cắm tiết kiệm năng lượng là giải pháp được nhiều gia đình lựa chọn với hy vọng tiết kiệm đến 40% lượng điện tiêu thụ. “Bạn có thể tiết kiệm điện năng sau khi xác định và thay thế hoặc thay đổi cách sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện. Thiết bị không chỉ được sử dụng tại gia đình, nó còn phát huy tốt tác dụng tại văn phòng của bạn”. Kèm theo lời quảng cáo này là các thông số kỹ thuật về sản phẩm để người mua tham khảo và yên tâm. Giá mỗi thiết bị từ gần 1 triệu đồng đến 2-3 triệu đồng. Ông Phan Mạnh Hưng (Lạc Long Quân- Tây Hồ) cho biết: “Tìm hiểu trên mạng về các thiết bị tiết kiệm điện, tôi thử mua một ổ cắm về dùng. Vì tôi mới chỉ lắp một thiết bị nên lượng điện tiết kiệm được có thể ít. Nhưng khi thử tại cửa hàng, đồng hồ điện chạy chậm hơn hẳn”. Cũng theo ông Hưng, thiết bị có giúp tiết kiệm đến 40% lượng điện tiêu thụ hay không thì chưa thể kiểm chứng được.
Không có chuyện đồng hồ điện dừng lại ảnh 2
Tiết kiệm không đúng cách có thể gây hư hỏng thiết bị điện
Trước đây, tại nhiều tuyến phố chuyên doanh về đồ điện như: Phố Huế, Nguyễn Công Trứ... các sản phẩm tiết kiệm điện được bày bán tràn lan. Nhưng thời gian gần đây, việc rao bán các thiết bị này có phần lắng xuống. Tuy nhiên, khách hàng muốn mua không phải không có. Nguyên nhân là do khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm có phản ánh lại với cơ quan chức năng về việc quảng cáo không đúng với sự thật. Sở KH-CN Hà Nội đã từng cho biết, cơ quan này không cấp bất kỳ một chứng chỉ nào liên quan tới thiết bị tiết kiệm điện mang tên Power.tune sau khi nhận được những phản ánh của khách hàng. Cơ quan này cũng đã thử nghiệm sản phẩm và khẳng định thiết bị này không có khả năng tiết kiệm được 25% hóa đơn tiền điện như quảng cáo. Mặt khác, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hàng nghìn trường hợp sử dụng thiết bị tiết kiệm thực chất là “ăn cắp” điện, làm đồng hồ điện dừng lại. 
Không có chuyện đồng hồ điện dừng lại ảnh 3
Hiện nhiều sản phẩm tiết kiệm điện được bán trên thị trường
song hiệu quả tới đâu thì chưa được kiểm chứng

Ngoài các thiết bị giúp tiết kiệm điện theo cách này, khách hàng còn bị thuyết phục bởi các sản phẩm được quảng cáo tiết kiệm điện trên thị trường như: điều hòa không khí công nghệ  inverter, tủ lạnh tiết kiệm điện năng, bóng đèn huỳnh quang... với mức tiết kiệm đến 60% điện năng tiêu thụ. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, giám đốc bán hàng một hãng điều hòa cho hay: “Sản phẩm điều hòa, tủ lạnh... quảng cáo tiết kiệm đến 60% điện năng tiêu thụ là đúng. Tuy nhiên, tiết kiệm được bao nhiêu trong thực tế là chuyện khác, bởi mức tiết kiệm tối đa là trong phòng thí nghiệm, điều kiện lý tưởng. Điều kiện nhà ở của người dân phổ biến là không đáp ứng được các yêu cầu nên khó có thể tiết kiệm điện đến mức tối đa như quảng cáo”. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, tiết kiệm điện là việc cần làm thường xuyên. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo tràn lan trên các phương tiện truyền thông mà nên sử dụng các sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học. Bên cạnh đó, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng hay rút các ổ cắm, phích cắm điện khi tắt các thiết bị là cách tiết kiệm điện hữu ích nhất.