Không có chữ “nếu”…

ANTĐ - Anh Nguyễn Minh Hải (30 tuổi, ở đường Giải Phóng, Hà Nội) vẫn còn ám ảnh về cái chết thương tâm của 3 em học sinh nữ ở Đắk Nông.

- Nghe chuyện ai cũng thấy sốc. Theo anh, có nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả thê thảm này không?

- Cố tìm một lý do mà mãi không được. Vì các em được học kỹ năng sống từ chương trình giáo dục quá ít? Hay vì các em bị ảnh hưởng từ phim ảnh, truyện, internet?

- Có thể vì mải mê kiếm sống mà cha mẹ chưa thật quan tâm đến con cái?

- Các em đều mới học lớp 7, là học sinh khá giỏi, sao tự nhiên có tâm lý tiêu cực đến thế, lại còn chuẩn bị trước cho sự “ra đi” của mình. Gia đình và nhà trường đều không ai biết, đây có phải là một sự vô tâm đáng sợ?

- Ở tuổi dậy thì, tâm lý các em khá phức tạp. Ở “tuổi thần tiên” mà có những suy nghĩ bế tắc như những dòng nhật ký các em để lại anh có thấy khó hiểu?

- “Sắp đến ngày chia tay cuộc đời, mình sẽ có một thế giới mới...”. Thế giới trong mắt 3 cô nữ sinh mới lớn sao lại hoang đường đến thế?  Sao các em chỉ chia sẻ với nhau mà không nói với bố mẹ, thầy cô. Vì khoảng cách quá lớn hay vì không tìm được người chia sẻ? Chắc chắn là có sự thiếu quan tâm cần thiết của người lớn. 

- Nếu… ?

- Thảm kịch đã xảy ra, chả có chữ nếu nào cả. Xã hội phải cảm thấy xấu hổ khi để xảy ra chuyện đau lòng này. Bản thân người lớn đôi khi còn cảm thấy ngột ngạt, huống hồ là các em. Thầy cô và các bậc phụ huynh nên suy nghĩ một cách nghiêm túc xem mình có thực sự thấu hiểu những điều mà con em mình muốn. Chưa nói đến việc to tát cải tiến chương trình giáo dục, thiết nghĩ ở mỗi trường cấp 2, cấp 3 cần phải có một bác sỹ tâm lý để lắng nghe, định hướng cho các em. Nên nhớ bi kịch này có thể xảy ra ở bất cứ đâu.