Đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội:

Không có chỗ cho sự lơ là, thiếu cương quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Bình thường mới” là trạng thái đã và đang hiện hữu ở Thủ đô Hà Nội từ nhiều tháng nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Và một trong những biểu hiện cụ thể của sự “mới” ấy là quy định mọi loại hình kinh doanh dừng hoạt động sau 21h trong bối cảnh phòng chống dịch còn đang căng thẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kiên trì vận động, nhắc nhở với hộ kinh doanh song cũng kiên quyết với trường hợp chây ỳ, chống đối

Kiên trì vận động, nhắc nhở với hộ kinh doanh song cũng kiên quyết với trường hợp chây ỳ, chống đối

Với Công an Hà Nội, bằng đồng bộ biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý nghiêm những vi phạm mang tính hệ thống, các đơn vị địa bàn đã xây dựng ý thức chấp hành mới của các chủ thể kinh doanh, với nhận thức chung là để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Lãnh đạo quận “3 cùng” với lực lượng công an

Đống Đa là quận lõi của Hà Nội và trong suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua chưa mấy khi vùng lõi ấy được yên ả dài ngày. Thoáng “xanh” bỗng chuyển sang “vàng”, rồi thành “đỏ”, nguy cơ và sự cảnh giác thường trực ở cả 21 phường trên địa bàn. Thế nên trong những câu chuyện với cán bộ chủ chốt của quận, từ đồng chí Bí thư Quận ủy, đến Chủ tịch quận, Trưởng Công an quận, chúng tôi luôn đọc được tâm thế không lơ là trước “giặc Covid”.

Nhớ ngày nào, quận Đống Đa đau đáu từng ngày với vùng phong tỏa Văn Chương - Văn Miếu. Đó là chuỗi thời gian mà người dân và cả hệ thống chính trị của quận dường như không ngủ. Dịch vãn chưa được 2 tháng thì lại cả trăm ca F0 xuất hiện ở đồng loạt 4 - 5 phường. “Bình thường mới” nghĩa là Đống Đa cũng như 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội chấp nhận sống chung với Covid-19 khi tất cả đã tiêm vaccine như một giải pháp tối ưu và “5K” là khẩu hiệu nằm lòng. Song, hơn hết, các ban, ngành, lực lượng chức năng của quận xác định rõ, phải thực hiện bằng được chủ trương, chỉ đạo của thành phố qua các biện pháp, phương châm phòng chống dịch. Cụ thể ở đây là kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh sau 21h.

Trên dưới 700 trường hợp vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, hoạt động kinh doanh sau 21h đã bị các lực lượng quận Hoàn Kiếm xử lý từ đầu tháng 11 này. Gấp nhiều lượt lần con số ấy là các hộ kinh doanh được tuyên truyền và có ý thức chấp hành đáng ghi nhận. Tin vào hiệu quả, cách làm của Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm và nhiều địa bàn nữa, bởi tất cả đều rất rõ ràng về nhận thức: Trên mặt trận diệt “giặc Covid”, tuyệt đối không có chỗ cho sự lơ là, cả nể, thiếu cương quyết!

Rất bình thường khi một buổi tối thời điểm trước 21h bắt gặp lãnh đạo quận Đống Đa trực tiếp chỉ đạo và tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hàng quán vẫn còn nấn ná mở cửa. “Chỉ đạo từ thành phố, việc là việc chung, lực lượng, địa bàn nào cũng phải vào cuộc. Mà như thế, vai trò sâu sát của lãnh đạo quận cũng phải thể hiện rõ, không thể cầm tay chỉ việc” - ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa chia sẻ quan điểm của tập thể lãnh đạo quận đối với cuộc chiến sẽ còn rất dài này.

Hiểu và ghi nhận vai trò của lực lượng công an trong việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” sau 21h đối với các loại hình kinh doanh, lãnh đạo quận Đống Đa chủ trì, họp cùng, đi kiểm tra cùng, và giám sát việc duy trì cùng cấp phường, địa bàn dân cư. “Sức người tham gia kiểm tra, giám sát không xuể, phải phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các nhóm Zalo, Facebook. Có dịp sẽ nói thêm nhiều với nhà báo về sức mạnh của công nghệ, nhưng đơn giản thế này, qua mạng xã hội, chúng tôi bỏ hết các thủ tục hành chính. Tương tác chủ yếu bằng hình ảnh và tin nhắn đơn giản: Vì sao chỗ này tồn tại? Bao giờ giải quyết xong? Và có cam kết trước UBND quận sẽ xử lý triệt để” - vị Phó Chủ tịch chia sẻ.

Kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hàng quán vẫn mở cửa quá 21h

Kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hàng quán vẫn mở cửa quá 21h

Xây nếp chấp hành ngay từ ý thức

“Hương Gà già” từng là địa chỉ ăn uống sôi động ở địa bàn phường Quang Trung, quận Hà Đông. Bà chủ quán tên Hương bán các món về gà, vậy là thành tên quán khá ấn tượng. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, cứ từ chập tối đến khuya, quán gà này luôn tấp nập khách, trong nhà và tràn ra vỉa hè. Cùng với 6 - 7 quán ăn khác, “Hương Gà già” biến một khu vực của phường Quang Trung thành địa chỉ tấp nập của khách nhậu bình dân. Thực khách thích, nhưng chính quyền cơ sở tốn khá nhiều công sức với đoạn phố ẩm thực này.

Vậy mà từ tháng 4-2021 trở lại đây, đặc biệt khi phường Quang Trung cùng 16 phường của quận Hà Đông áp dụng quy định tạm ngừng hoạt động các loại hình kinh doanh sau 21h, đoạn phố ẩm thực ấy bỗng rất trật tự. “Sự thay đổi ấy xuất phát từ chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ huy CAQ với yêu cầu cụ thể: Tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành quy định của thành phố. Cá nhân, hộ kinh doanh không chấp hành sẽ áp chế tài nghiêm khắc và xem xét trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ, lực lượng được phân công đảm trách địa bàn” - Đại úy Trần Phi Trường, Phó trưởng Công an phường Quang Trung bày tỏ.

Nếp mới đang hình thành ở địa bàn Hà Đông đến từ sự dứt khoát, song cũng hết sức nhân văn của lực lượng thực thi nhiệm vụ. Kiên trì vận động, giải thích, nhắc nhở, song cũng đầy kiên quyết đối với các trường hợp chây ỳ, chống đối, chộp giật. Sôi động như quán “Hương Gà già”, giờ không chỉ ngừng mở cửa sau 21h mà mỗi lần đón khách đều mời vào trong nhà, nhường hè, đường cho người đi bộ. Cách làm của Hà Đông sau 21h hiện nay là hình thành được thế trận liên hoàn, khép kín giữa các phường và Đội Cảnh sát giao thông trật tự.

Danh sách điểm, quán, tụ điểm thường hoạt động về đêm được lập, chuyển về đội để vừa tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý, vừa giám sát, ngăn chặn vi phạm. Trung tá Vũ Tuấn Anh - Đội phó Đội CSGT-TT CAQ Hà Đông cho biết, kế hoạch của CAQ xây dựng là gắn trách nhiệm của cả chính quyền cơ sở. Để từng cấp, từng lực lượng xác định rõ, nếu đứng ngoài cuộc, nếu chỉ có công an đảm trách thì dịch bệnh Covid sẽ còn lây lan.

Cùng quan điểm, cách làm như Hà Đông, nhiều tháng qua CAQ Hoàn Kiếm tham mưu lãnh đạo quận ban hành Kế hoạch phối hợp lực lượng để kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, hàng quán hoạt động sau 21h. 100% các hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành yêu cầu của thành phố và đặc biệt, họ được tuyên truyền, nhận thức chính là chủ thể trong việc thực hiện các quy định. Nòng cốt các tổ tuyên truyền trong cộng đồng dân cư là Cảnh sát khu vực và công tác này được xác định rõ là then chốt của các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Trên dưới 700 trường hợp vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, hoạt động kinh doanh sau 21h đã bị các lực lượng quận Hoàn Kiếm xử lý từ đầu tháng 11 này. Gấp nhiều lượt lần con số ấy là các hộ kinh doanh được tuyên truyền và có ý thức chấp hành đáng ghi nhận. Tin vào hiệu quả, cách làm của Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm và nhiều địa bàn nữa, bởi tất cả đều rất rõ ràng về nhận thức: Trên mặt trận diệt “giặc Covid”, tuyệt đối không có chỗ cho sự lơ là, cả nể, thiếu cương quyết!