Không chủ quan với sốt xuất huyết

ANTD.VN - Khoảng 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) vào khám, điều trị tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội gia tăng khá mạnh, nhất là ở nhóm trẻ em trên 2 tuổi. Ngành y tế Hà Nội cảnh báo, hiện bệnh SXH đang đi vào giai đoạn cuối vụ dịch, song không được chủ quan vì dịch vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp.

Không chủ quan với sốt xuất huyết  ảnh 1Người dân huyện Thanh Trì xử lý dụng cụ chứa nước phòng chống bệnh SXH và bệnh do virus Zika

Gia tăng trẻ mắc SXH nhập viện

Ngày 7-11, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 2 tuần gần đây, ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi bị SXH đến khám, chủ yếu là các đối tượng trẻ trên 2 tuổi. Bệnh nhân phần lớn đến từ các quận, huyện ven nội đô của Hà Nội như Hoàng Mai, Thanh Trì… 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đa phần bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, chỉ sốt phát ban, xuất huyết ngoài da, không đáng ngại nên được hướng dẫn về nhà hạ sốt bằng paracetamol và uống oresol bù nước. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mắc bệnh ở thể khá nặng, nhất là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh có sẵn các bệnh mạn tính hoặc các trường hợp nhập viện muộn khi bệnh đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo, có thể chuyển sang sốc SXH bất cứ lúc nào. 

Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian này cũng có khá nhiều bệnh nhân SXH đến khám, đa phần biểu hiện nhẹ và được theo dõi điều trị ngoại trú. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dù lượng bệnh nhân đến khám khá đông nhưng chỉ những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, hạ tiểu cầu nặng mới phải nhập viện điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, khi mới nhiễm bệnh SXH, trong 2 ngày đầu bệnh nhân thường chỉ có dấu hiệu sốt cao, không khác gì sốt virus nên khó nhận biết. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ cần hạ sốt bằng paracetamol và bổ sung oresol tại nhà. Từ ngày thứ ba, thứ tư, tùy vào dấu hiệu cảnh báo mà bệnh nhân cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.

Các bác sĩ cảnh báo, SXH là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính, đặc biệt, có thể dẫn tới truỵ tim mạch và tử vong nếu đến bệnh viện điều trị muộn hoặc tự ý điều trị không đúng. Vì thế, người dân khi bị SXH không nên chủ quan, nhất là không nên tự mua thuốc về nhà điều trị, tự ý truyền dịch tại nhà. 

“Người bệnh SXH cần dùng paracetamol để hạ sốt. Nếu tự ý mua các thuốc hạ sốt về điều trị không tuân theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt thì cực kỳ nguy hiểm. Người mắc SXH thường bị hạ tiểu cầu, có hiện tượng chảy máu trong, sử dụng aspirin sẽ ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được. Điều này, khiến cho bệnh trầm trọng thêm…” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Kết hợp phòng SXH với bệnh do virus Zika

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thông thường dịch bệnh SXH ở Hà Nội thường bùng phát từ tháng 4-5 và đỉnh điểm là vào tháng 10-11 hàng năm. Thời điểm này, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được khống chế tốt, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang lan rộng tại khu vực phía Nam và có thể xuất hiện tại Hà Nội bất cứ lúc nào, trong khi muỗi truyền bệnh do virus Zika cũng chính là muỗi vằn truyền bệnh SXH, vì thế người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống.

Trước diễn biến “nóng” của tình hình dịch bệnh dịp cuối năm, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bệnh do virus Zika và SXH. Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh do virus Zika và SXH” lần thứ hai ngay trong tháng 11 này. 

Đồng thời, UBND TP yêu cầu hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động diệt muỗi, diệt bọ gậy để phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch.