Không chủ quan với bệnh nhược thị ở trẻ em

ANTD.VN - Nghỉ hè là lúc trẻ có nhiều thời  gian vui chơi, không phải học bài. Đúng ra thời gian này, mắt được nghỉ ngơi nhiều nhất. Nhưng thực tế, khi không phải học bài, trẻ lại tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, xem tivi trong nhiều giờ... là nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ em.

Dấu hiệu và nguyên nhân

Không chủ quan với bệnh nhược thị ở trẻ em ảnh 1

Biểu hiện duy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt khi xem tivi; viết bị sai hàng; nghiêng đầu khi nhìn; khó khăn khi nhìn bảng, kêu ca là bị mỏi mắt... Nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt, thị lực bị giảm sút.

Một số bệnh về mắt có thể khiến mắt bị mờ dẫn đến nhược thị là mắt lác (mắt lé), loạn thị, sụp mí, đục thủy tinh thể, bất đồng khúc xạ… Ngoài ra về yếu tố di truyền, tiền sử gia đình và gene đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhược thị ở trẻ. Nếu trẻ có người thân trong gia đình mắc chứng nhược thị thì trẻ cũng có nguy cơ phát triển bệnh này.

Những bài tập dành cho mắt bị nhược thị

Che mắt: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn và cố gắng tập trung nhìn mọi thứ xung quanh và diễn tả chúng. Thực hiện bài tập này mỗi ngày duy trì trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thị lực bên mắt bị nhược thị sẽ được cải thiện đáng kể.

Tập trung: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn, sử dụng ngón tay trỏ của bàn tay còn lại đưa ra trước mắt rồi từ từ di chuyển ngón tay ra xa. Tập trung vào sự di chuyển từ gần đến xa của ngón tay trong một thời gian. Sau đó, nghỉ ngơi 5 phút và làm lại lần nữa. Lặp lại bài tập 3 lần một ngày để cải thiện tình trạng mắt nhược thị.

Liệu pháp thị lực: Là một trong những liệu pháp vật lý tăng hiệu quả của mắt cũng như não bộ. Đây là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân không sẵn sàng thực hiện phẫu thuật. Những vấn đề thị giác như nhược thị, lác mắt, cận thị và các vấn đề về cơ mắt yếu đều có thể điều trị.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con. Hiệu quả nhất chính là phát hiện bệnh sớm, nhất là giai đoạn trẻ dưới 8 tuổi. Có trường hợp phải tập luyện rất lâu dài, thậm chí hàng năm, nhất là khi phát hiện muộn ở lứa tuổi 10 - 12. 

Để phòng ngừa, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 2 lần/năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời. Lưu ý, cần nhắc nhở trẻ điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Đặc biệt lưu ý thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính,... Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm các căn bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn.