Không chia nát khuôn viên biệt thự

(ANTĐ) - Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội ngày 12-9 cho biết, số biệt thự cổ ở Hà Nội bị cơi nới, lấn chiếm, sửa chữa làm biến dạng lên tới hơn 80%. Đặc biệt, có tới 5% tổng số biệt thự đã bị phá dỡ, xây dựng mới thành quán bar, nhà hàng, văn phòng cho thuê... Chính vì thế, xây dựng phương án quản lý, bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị ở Hà Nội đang là vấn đề nóng bỏng của thành phố.

Không chia nát khuôn viên biệt thự

(ANTĐ) - Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội ngày 12-9 cho biết, số biệt thự cổ ở Hà Nội bị cơi nới, lấn chiếm, sửa chữa làm biến dạng lên tới hơn 80%. Đặc biệt, có tới 5% tổng số biệt thự đã bị phá dỡ, xây dựng mới thành quán bar, nhà hàng, văn phòng cho thuê... Chính vì thế, xây dựng phương án quản lý, bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị ở Hà Nội đang là vấn đề nóng bỏng của thành phố.

Nhiều biệt thự đã bị biến dạng vì cơi nới, sửa chữa
Nhiều biệt thự đã bị biến dạng vì cơi nới, sửa chữa

80% biệt thự đã “biến dạng”

Nhà ở biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Hà Nội có những nét riêng, khác biệt cả về hình thức quản lý sử dụng lẫn hình thái kiến trúc so với các biệt thự tại các đô thị khác ở nước ta. Các biệt thự này chủ yếu được hình thành qua 2 thời kỳ trước và sau năm 1954. Hầu hết các biệt thự này tọa lạc ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính của thành phố.

Kết quả rà soát cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đang quản lý 970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, gồm  42 biệt thự không bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán trọn biển; 536 biệt thự đã bán một phần (trong đó, có 55 biệt thự có giá trị kiến trúc).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả đợt kiểm tra rà soát biệt thự của Tổ công tác liên ngành thành phố cho thấy, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%! Số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỷ lệ 80%. Đặc biệt, số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%. Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng, 60% biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do công ty quản lý, kinh doanh nhà của thành phố quản lý.

Đáng chú ý, có 30% biệt thự là đan xen giữa sở hữu Nhà nước và tư nhân.  10% còn lại là trụ sở cơ quan Nhà nước đan xen giữa các hộ dân thuê để ở. Số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở thuê rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở. Đa số các biệt thự có từ 5 đến 15 hộ thuê nhà. Trong đó, số biệt thự có từ 5 đến 10 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 50%; số có từ 10 đến 15 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Cá biệt, vài biệt thự có từ 35 đến 50 hộ.

Quản lý lỏng lẻo

Lý giải sự xuống cấp nghiêm trọng quỹ nhà biệt thự ở Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc phân phối nhà ở cho nhiều hộ ở trong cùng số nhà đã dẫn đến công năng sử dụng ban đầu bị quá tải. Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo đã “tạo điều kiện” cho tình trạng cơi nới, lấn chiếm diện tích đất trống trong khuôn viên biệt thự. Nhiều biệt thự có sự đan xen sở hữu giữa Nhà nước và tư nhân, giữa cơ quan và các hộ thuê nhà, rất phức tạp cho công tác quản lý. Thêm vào đó, giá cho thuê biệt thự quá rẻ, không đủ kinh phí để duy trì sửa chữa, cải tạo trong khi hầu hết các tòa nhà được xây dựng từ 40-50 năm nên xuống cấp rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, tới nay, vẫn chưa có các quy định riêng về quản lý, sử dụng biệt thự, các tiêu chí bảo tồn, tôn tạo biệt thự, thu hồi biệt thự. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà, cơ quan xử lý vi phạm trật tự xây dựng thiếu sự kiểm tra thường xuyên, lại không kiên quyết nên vi phạm ngày càng lan rộng.

Đề nghị bán 599 biệt thự

Căn cứ các tiêu chí hiện hành, Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội có 207 biệt thự không bán. Sở này cũng đề xuất danh mục 599 biệt thự đề nghị bán gồm 580 biệt thự chưa bán và đã bán một phần; 19 biệt thự thành phố quản lý đan xen trụ sở cơ quan. Sở Xây dựng cho biết, mục đích bán biệt thự “nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tư nhân hóa nhà ở, tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng biệt thự có hiệu quả hơn”.

Đồng thời với việc bán biệt thự, sẽ áp dụng các chính sách quản lý đô thị và quản lý xây dựng nhằm giữ gìn, tôn tạo được hình dáng kiến trúc ban đầu của biệt thự, góp phần làm đẹp bộ mặt Thủ đô. “Bán biệt thự phải đảm bảo không chia nát khuôn viên và từng bước dỡ bỏ phần cơi nới, trả lại hình dáng kiến trúc ban đầu” - đại diện Sở Xây dựng nói.

Ông Vũ Mạnh Cường đưa ra lời khuyên, chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích việc giãn dân tại những nhà biệt thự có nhiều hộ ở; khuyến khích việc sửa chữa, cải tạo đối với nhà biệt thự đã bị biến dạng để phục hồi lại nguyên trạng kiểu dáng kiến trúc. Nhóm nghiên cứu của trường ĐH Xây dựng cũng thống nhất, “cố gắng giữ cấu trúc gốc đến mức độ tối đa” và “có thể biến đổi chức năng sử dụng gốc, nhưng không thay đổi cấu trúc và hình dáng gốc”.

Chính Trung