Không chỉ là kỳ thi...

ANTĐ - Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã khép lại. Sĩ tử hoặc nghỉ ngơi chờ kết quả hoặc lại lao vào chuẩn bị thi đợt 2 cho giấc mơ bước vào giảng đường ĐH. Những ngày tới, cả nước và đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh lại nhộn nhịp thí sinh "lai kinh ứng thí". Một lần nữa cả xã hội sẽ lại dồn toàn bộ sự quan tâm cho các sĩ tử. 

Ngành Giao thông lại bổ sung xe, tăng chuyến phục vụ đi lại của thí sinh và người nhà; ngành Điện lại sẽ đảm trách bảo đảm điện trong suốt kỳ thi; lực lượng công an lại tổng động viên quân phân luồng, tránh ùn tắc và đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm thi; thanh niên, sinh viên tình nguyện lại nhiệt tình hăng hái hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thí sinh tại các bến xe, nhà trọ, cổng trường… Các bậc phụ huynh lại lần nữa vất vả gom tiền, dồn sức lo đưa con đi thi. Cứ mỗi đợt thi quốc gia như vậy là cả xã hội quan tâm và cũng là kỳ cuộc rất tốn kém.

Điều mà ai cũng thấy từ lâu là tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm theo cách làm như hiện nay là quá tốn kém về tiền bạc, công sức, thời gian của xã hội. Bởi vậy đã nhiều lần người ta đã đặt vấn đề có nên duy trì kiểu thi tuyển này? Cũng không dưới một lần, các chuyên gia đã có ý kiến đề nghị nhập các cuộc thi tốt nghiêp PTTH và tuyển sinh ĐH thành một hay để các trường ĐH xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc phổ thông. Nhưng rồi, sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi mọi lúc mọi nơi thì mọi việc vẫn cứ chỉ là một nỗi ước ao về sự đổi thay của nền giáo dục nước nhà. 

Giá như cái sự học được định hướng quy củ, phân luồng chuẩn mực ngay từ cấp phổ thông thì các kỳ thi cấp quốc gia hàng năm sẽ chỉ như một cuộc kiểm tra chất lượng đầu vào ĐH, CĐ mà thôi. Sẽ chẳng có sức ép đè nặng lên tâm lý của thí sinh và các bậc cha mẹ có con đi thi. Chắc chắn các đợt thi ĐH, CĐ không còn là “ải vũ môn” khó vượt và tốn kém tiền của. Các chuyên gia giáo dục cũng sẽ không còn phải  đau đầu tìm ra  những quy định mới để chống gian lận trong thi cử. 

Còn chất lượng đầu ra của các cử nhân tốt nghiệp ĐH cũng như sự thiếu thừa nhân lực trong các ngành nghề… đâu phải chỉ do kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Chất lượng đào tạo của các trường ĐH chưa cao là bởi sự đào tạo “quá sức”, chỉ vì cái lợi trước mắt của các trường mà không tính đến chất lượng nhân lực của xã hội. Các trường ĐH ngoài công lập đang bị thương mại hóa, lợi nhuận lấn át chất lượng giáo dục. Thêm vào đó, thực tế cũng thấy vì động cơ, mục đích học tập một số sinh viên không phải vì học lấy tri thức ra làm việc, nghiên cứu mà chủ yếu lấy kỳ được tấm bằng để xin việc làm, để thăng tiến trong công tác dẫn đến những tiêu cực như học hộ, thi mướn, gian lận trong thi cử, dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH vẫn không được nâng lên, nếu không muốn nói là cứ tiếp tục đi xuống.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay có 643.423 suất vào ĐH, CĐ với 1.710.983 hồ sơ đăng ký dự thi. Tỉ lệ chọi không cao. Cánh cửa vào các trường ĐH, CĐ rộng mở với nhiều cơ hội và sự lựa chọn cho các thí sinh. Vấn đề còn lại là chất lượng đào tạo. Đó mới thực sự là điều xã hội đáng lo.

Đợt 2 của kỳ thi ĐH, CĐ 2013 rồi sẽ lại bắt đầu rất nhộn nhịp, căng thẳng và tốn kém. Thí sinh lại tiếp tục bước vào kỳ sát hạch, để rồi, người qua được cổng trường ĐH, kẻ ngậm ngùi về quê ôn luyện cho kỳ thi lại năm sau hoặc từ bỏ con đường học vấn. Trong khi ngoài cánh cửa trường ĐH, các em còn có rất nhiều lối để đi vào đời.

Cũng chính vì vậy, người ta vẫn ước ao về việc đổi mới việc tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm để đưa đến tương lai sáng hơn của nền giáo dục nước nhà.