Không chỉ là bản vẽ

ANTĐ - Mỗi khi dư luận bức xúc về vấn đề giao thông, bệnh viện, trường học, hạ tầng xã hội, một nguyên nhân chủ yếu luôn được chỉ ra là vì thiếu quy hoạch. Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vừa qua UBND TP Hà Nội đã thảo luận 5 quy hoạch về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục. Đây được coi là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Nên nhớ rằng đây không phải lần đầu tiên Hà Nội bàn về một loạt quy hoạt của thành phố. Đã ít nhất khoảng 5 lần, Hà Nội đã có quy hoạch và thay đổi quy hoạch phát triển xây dựng. Bởi vậy, lần này nhiều ý kiến của các đại biểu tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy hoạch. Cộng toàn bộ kinh phí đầu tư cho 5 quy hoạch ngành, ước tính đã lên tới 700.000-800.000 tỷ đồng, một khoản tiền khổng lồ. Mặc dù kỳ họp HĐND này đã thông qua 5 quy hoạch, song không ít đại biểu lo ngại mục tiêu đề ra thì rất lớn, trong khi thiếu giải pháp mạnh để thực hiện dễ dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP nhắc lại thời điểm năm 2003, Hà Nội đã có quy hoạch giao thông tĩnh và HĐND đã có riêng một quyết định. Thế nhưng đến nay, quy hoạch đó hoàn toàn bị phá vỡ.

Ông Trưởng ban thẳng thắn chỉ rõ, tất cả chỉ vì lợi ích nhóm. Thay vì điểm đỗ xe, người ta lại làm các dự án nhà ở, văn phòng cho thuê. Các chủ đầu tư chỉ lo làm nhà bán thu tiền, hạ tầng xã hội thì đẩy cho Nhà nước. Ông nói “Chúng ta đang phải trả giá cho việc này. Nếu sau này thực thi được thì tiền của hôm nay đổ ra làm quy hoạch cũng chỉ phí hoài mà thôi”. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng lo ngại: “Quy hoạch phải làm rất kỹ chứ trừu tượng quá sau này không làm được. Nêu ra những con số quá lớn và không chỉ rõ đường đi thì làm có nổi không?”. Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế Hà Nội quả thật là quá “hoàng tráng”. Từ năm 2011-2015 xây mới 10 bệnh viện với tổng kinh phí 7.800 tỷ đồng, trên diện tích 43ha đất; từ năm 2016-2020 xây mới 15 bệnh viện với tổng kinh phí 8.600 tỷ đồng, trên diện tích hơn 50ha đất.

Chánh văn phòng HĐND TP tỏ ra hoài nghi về tính thiếu khả thi của quy hoạch đồ sộ này, bởi trong 5 năm qua Hà Nội hầu như không xây thêm một bệnh viện nào, có chăng chỉ là cơi nới, nâng cấp. Ngay trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, thành phố cũng quyết tâm rất cao xây dựng 1 bệnh viện, cuối cùng cũng không làm được. Gần đây lại quyết tâm xây dựng bệnh viện 1.000 giường ở Mê Linh mà tới nay vẫn chưa động tĩnh gì. Trong khi đó, một đại biểu huyện Mê Linh lại lo nhất là làm sao để đào tạo kịp đội ngũ y bác sỹ có chất lượng. Bởi vì hiện nay, nhiều y bác sỹ được đào tạo bài bản, chuyên môn tốt, sau một thời gian công tác đã chuyển khỏi huyện này, tìm đến những nơi thu nhập, cuộc sống tốt hơn. Ngay cả quy hoạch phát triển hệ thống Giáo dục - Đào tạo và mạng lưới trường học ở Hà Nội, cũng được nhiều đại biểu cho là khó khả thi với tham vọng xây mới 1.215 trường trên diện tích hơn 12.000ha đất, kinh phí tới 71.593 tỷ đồng.

Tất nhiên, quy hoạch không chỉ là bản vẽ mà phải có tính khả thi. Đưa ra những con số về tiền bạc, đất đai, số trường, bệnh viện phải sát thực tiễn, nếu không quy hoạch sẽ “chơi vơi”. Cũng có ý kiến cho rằng, dù kém khả thi thì vẫn cứ phải “vẽ” để giữ quỹ đất. Tiền chưa có rồi nay mai sẽ có, nhưng đất thì không thể “nặn” ra thêm được. Vì thế phải có quy hoạch để con cháu sau này có đất xây trường học, bệnh viện.