Không chỉ kết tội kẻ cuồng sát

ANTĐ - Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng sát thủ máu lạnh giết người hàng loạt ở Na Uy, A. Breivik, sẽ bị đưa ra xét xử công khai vào ngày 19-9 tới. Nhưng điều người ta quan tâm không phải là bản án mà là lời cảnh báo nào sẽ được phiên tòa đưa ra.

Sát thủ máu lạnh A.Breivik (ngoài cùng bên trái) đang bị dẫn giải đến hiện trường vụ thảm sát

A. Breivik chính là kẻ hôm 22-7-2011 đã gây ra vụ khủng bố tồi tệ nhất tại Na Uy kể từ sau Thế chiến II. Nghi phạm này đã cho nổ một quả bom gần các văn phòng chính phủ tại Thủ đô Oslo, trước khi tới đảo Utoyea cách đó không xa để thực hiện một vụ thảm sát điên loạn. Tổng cộng 77 người đã thiệt mạng dưới bàn tay tội ác của A. Breivik.

Thông thường với một vụ án tương tự sẽ phải xử kín, nhưng lần này, tòa án đã từ chối yêu cầu xử kín của cảnh sát mà chấp nhận xử công khai theo yêu cầu của kẻ phạm tội cũng như luật sư của hắn. Phiên tòa sắp tới sẽ cho phép những người còn sống sót, người nhà của nạn nhân và giới báo chí có thể theo dõi phiên xử. Nhưng vì sao vấn đề xử kín hay công khai lại được tranh luận gay gắt đến vậy?

Nếu nói về mức án, mọi thứ đã rõ ràng. Theo điều khoản 147 Luật Hình sự Na Uy về tội khủng bố, mức án tối đa cho hung thủ A. Breivik là 21 năm tù. Nhưng điều cần thiết ở phiên tòa này mà mọi người chờ đợi chính là phán quyết cho hệ tư tưởng cực đoan và ẩn chứa đầy nguy hiểm mà A. Breivik là một trong những đại diện nguy hiểm nhất.

Không hề vòng vo, A. Breivik thừa nhận mình là thủ phạm vụ thảm sát nhưng lại cương quyết từ chối trách nhiệm hình sự. Trong tuyên bố và các lời nhận xét gửi luật sư của mình, tên cuồng sát tự coi mình là một hiệp sĩ - thập tự chinh, một thẩm phán và cùng lúc là người thi hành án đang bắt đầu một cuộc cách mạng để “giành lại” đất nước mình từ những người Hồi giáo và người di cư, ngăn chặn chủ nghĩa đa văn hóa lấn át nền văn hóa “bản địa” của Na Uy. Chính vì thế, hành động của A. Breivik là cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào những người đồng bào của mình, chứ không phải nhằm vào những người nhập cư.

Theo các nhà phân tích chính trị, đó chính là nền tảng tư tưởng dẫn đến chủ nghĩa tân phát xít. Lịch sử cho thấy, bản thân chủ nghĩa phát xít cũng trước hết tập trung đàn áp những phần tử tự do trong nước để “đoàn kết” xã hội, rồi sau đó mới đấu tranh với kẻ thù bên ngoài. Cách hành xử của A. Breivik gợi cho ta nhớ lại phương pháp của các thế lực phát xít tại Italia và các đảng viên Đức quốc xã trong những năm 1930. Hệ quả của hệ tư tưởng đó chính là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai thảm khốc.

Vì vậy, theo nhà phân tích chính trị người Nga V. Nikonov, cuộc thảm sát ở Na Uy là một hiện tượng mang tính chất toàn cầu, mà biểu hiện trước mắt là ở châu Âu. Nó cho thấy ở châu lục này đang tồn tại xung khắc nghiêm trọng giữa các nhóm xã hội dân tộc, nói cách khác là khủng hoảng đa văn hóa. Không biết những biểu hiện bất mãn này sẽ dẫn tới đâu và khó có thể dự đoán hậu quả từ sự gia tăng tâm trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu.

Với việc cho xét xử công khai A. Breivik vào ngày 19-9, người ta muốn cảnh báo dư luận Na Uy, châu Âu và thế giới về một hệ tư tưởng cực đoan cực kỳ nguy hiểm, có thể tàn phá nền tảng của cả một xã hội. Dư luận mong đợi phán quyết của phiên tòa sẽ không chỉ là bản án dành riêng cho bản thân A. Breivik, mà chính là cho hệ tư tưởng cực đoan đó.