Không chỉ học để thi

ANTĐ - Trong khi nền kinh tế đang bề bộn những vấn đề vĩ mô như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, giải tỏa hàng tồn kho, phục hồi sản xuất, thì một vấn đề vĩ mô không kém là giáo dục cũng không thể coi nhẹ. Chuyện kinh tế có thể đưa ra những chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết, song vấn đề chất lượng giáo dục, chương trình sách giáo khoa của cả hệ thống lại đòi hỏi một đường lối, chủ trương, chính sách lâu dài, mang tầm quốc gia.

Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa có buổi giải trình trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng về chương trình sách giáo khoa hiện hành và giải pháp cho chương trình dự định biên soạn sau năm 2015. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng giáo dục yếu kém là do chương trình và sách giáo khoa nặng tính “hàn lâm”, xa rời thực tiễn, chủ yếu để thi cử khiến giáo viên và học sinh đều khổ sở. Chương trình chưa thật sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Giáo dục phổ thông bị lệch, người dạy và người học chỉ tập trung vào một số môn chính để thi cử.

Một giáo sư nổi tiếng đã từng lên tiếng về “hội chứng thi” của giáo dục Việt Nam, hàng chục năm qua vẫn thế. Đó là gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi đỗ. Thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy. Chủ yếu là học thuộc lòng như vẹt các loại bài văn mẫu, đáp án mẫu. Người đứng đầu ngành giáo dục-đào tạo thừa nhận có chuyện học lệch, học chỉ để thi cử. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa thành một thực thể xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông; từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn. Vì thế, chất lượng giáo dục còn thấp, kiến thức cơ bản về kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, khả năng tự học, sáng tạo của một bộ phận lớn học sinh yếu kém. Trong khi đó, ngành giáo dục chưa xây dựng được “ngân hàng” đề thi có chất lượng, tính minh bạch của thông tin về kết quả đánh giá chất lượng giáo dục chưa có độ tin cậy cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không ổn định, gây nhiều lo lắng và nghi ngờ về chất lượng giáo dục. Dự kiến trong năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình đánh giá chất lượng theo chuẩn châu Âu. Khi đó sẽ biết được chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta hiện nằm ở đâu so với các nước phát triển.

Trước đòi hòi của xã hội về đổi mới chương trình nội dung dạy học, thi cử sau năm 2015, như một chỉnh thể xuyên suốt từ gốc đến ngọn giáo dục, giảm kiến thức hàn lâm sách vở, đưa gần đến cuộc sống, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời trước Ủy ban của Quốc hội rằng, ngành giáo dục thiếu một tổng chủ biên để xây dựng. Điều này cũng có nghĩa là “lâu đài” giáo dục thiếu tổng công trình sư thiết kế tài giỏi, có uy tín. Đổi mới toàn diện giáo dục không chỉ giảm tải chương trình, sách giáo khoa mà cốt lõi là không chỉ học để thi.