Không chỉ để yên lòng

ANTĐ - Cho dù lạm phát đã được kiềm chế từ mức 2,3% xuống 9%, đồng nội tệ đã được ổn định, nhưng vẫn còn đó sự trì hoãn trong giải quyết những vấn đề thực sự của hệ thống ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Nếu những vấn đề này chưa được giải quyết thì Việt Nam sẽ khó có thể đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. Đó là một trong những nhận định của giới chuyên gia quốc tế trên Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát vẫn còn cao, lãi suất danh nghĩa cao, căng thẳng thị trường ngoại hối, giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng của Tổ chức Xếp hạng tín dụng. Các tổ chức tài chính toàn cầu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ cho các nhà hoạch định chính sách. Vị chủ tịch này chia sẻ: “Chúng tôi không đến đây để chỉ ra và đổ lỗi cho những nguyên nhân suy giảm kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi những cải cách cấp thiết và hy vọng Chính phủ sẽ có hành động mang tính quyết định để tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn”.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp đang giảm nhưng quy mô lại tăng bởi vì vốn và nguồn lực đang tập trung vào những doanh nghiệp lớn cho dù Chính phủ luôn thúc đẩy cổ phần hóa. Vì thế, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ hết sức cấp bách trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Song tái cấu trúc những tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn không phải là việc dễ dàng. Đại diện cho tiếng nói của Chính phủ,  Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế khẳng định, Chính phủ kiên quyết tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu là đặt khu vực kinh tế này trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Theo đó, sẽ thúc đẩy cổ phần hóa theo hướng chỉ giữ lại số lượng nhỏ doanh nghiệp trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, còn lại sẽ cổ phần hóa hết vào năm 2015-2020. Chính phủ cam kết sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra quyền sở hữu, đổi mới quản trị doanh nghiệp là điều được hết sức quan tâm. Nhấn mạnh quyết tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo để “yên lòng” các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng yếu kém đã trong tầm kiểm soát. Ở các ngân hàng này, hoạt động tín dụng và việc chi trả tiền gửi diễn ra bình thường, thanh khoản được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi. Một số ngân hàng đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo hướng tự nguyện. Sắp tới sẽ tiếp tục các thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua bán các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường thanh tra, giám sát sở hữu chéo ngân hàng, xác minh tài chính của các cổ đông khi tham gia sở hữu vốn tổ chức tín dụng.

Còn khá nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn này. Những cam kết, thông điệp của Việt Nam không chỉ để “yên lòng” cộng đồng tổ chức quốc tế ở nước ta, mà nói một cách hình ảnh như đại diện Nhóm công tác thị trường vốn của VBF: “Hết đêm trời lại sáng”. Thay đổi là tất yếu để có một tương lai tốt đẹp, sáng sủa hơn.