Không chỉ để “làm gương”

ANTĐ - Trong dự báo kinh tế do Công ty Kiểm toán Ernst & Young phối hợp với Trung tâm Oxford Economics thực hiện về triển vọng kinh tế của 25 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam được xếp hạng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh và hấp dẫn nhất cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc... Mặc dù Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của sự bất ổn thị trường tài chính châu Âu và khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư, nhưng theo đánh giá tổng quát của hai tổ chức trên, triển vọng kinh tế của Việt Nam không đến mức quá bi quan, với mức tăng trưởng trung bình dự đoán khoảng 6% trong trung hạn.

Dẫu vậy, các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cũng nhận định rằng, để vượt qua giai đoạn đầy thách thức này, Việt Nam cần tăng tốc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng để tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống doanh nghiệp “xương sống” này và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giám đốc Điều hành Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu và đánh giá hết sức thận trọng và toàn diện về tính hiệu quả và khả năng thành công khi lựa chọn mô hình tái cơ cấu doanh nghiệp vì nó có những đặc thù so với các nước khác.

Thực tế, không ít doanh nghiệp chưa thực sự xác định được tái cơ cấu là một chặng đường dài có nhiều mốc phải vượt qua và cần có một thời gian nhất định chứ không thể “đốt cháy giai đoạn”. Theo đó, tái cấu trúc doanh nghiệp tất yếu phải trải qua các giai đoạn: tái cấu trúc sở hữu, tái cấu trúc hoạt động, tái cấu trúc quản lý và tái cấu trúc tài chính. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia cũng đã và đang trải qua quá trình tái cấu trúc. Sau khi doanh nghiệp Nhà nước các quốc gia này tái cấu trúc, doanh nghiệp nào hoạt động thực sự hiệu quả thì sẽ tồn tại, “sống khỏe”, còn doanh nghiệp nào làm ăn kém cỏi sẽ bị đào thải. Theo kinh nghiệm của những nước đi trước, cần phải có cái nhìn xa trước tình trạng xáo trộn về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp.

Theo các cơ quan quản lý và các chuyên gia, mặc dù phần lớn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con, nhưng vẫn duy trì cơ chế quản lý cũ, nhiều hoạt động bị hành chính hóa nên bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Theo Ban chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong năm 2012 yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết cắt giảm chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những việc phải làm ngay trong rất nhiều giải pháp tái cơ cấu. Bởi vì một trong những mục tiêu của tái cơ cấu là lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả của kinh doanh. Bộ trưởng Tài chính khẳng định, tới đây sẽ ban hành quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước. Việc lỗ, lãi, trách nhiệm của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được công khai. Bộ trưởng chỉ rõ, làm giám đốc doanh nghiệp mà 2 năm liên tiếp để thua lỗ thì sẽ phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Doanh nghiệp Nhà nước phải làm gương cho các thành phần kinh tế khác.

Sau Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ký cam kết sẽ triệt để cắt giảm chi phí sản xuất khoảng 1.800 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu cũng sẽ cắt giảm từ 5-10%. Trước đó, Tổng công ty Hàng hải cũng cam kết cắt giảm 105 tỷ đồng trong năm 2012. Rõ ràng đây không chỉ là để “làm gương” cho các thành phần kinh tế, mà tiến trình tái cơ cấu là sự sống còn của bản thân các doanh nghiệp Nhà nước.