Không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá

ANTD.VN - Thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại Quốc hội chiều 25-5, đa số ĐBQH lo lắng trước tình trạng GDP quý I-2017 tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua song cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần thận trọng, không vì mục tiêu tăng trưởng mà đánh đổi bằng mọi giá.

Không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá ảnh 1Các ĐBQH lo ngại trước những mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra mà phải đánh đổi bằng mọi giá. Ảnh: LAM THANH

Vấn đề môi trường vẫn đang bức xúc

Tại tổ Hà Nội, ĐB Phạm Quang Thanh cho biết, với việc trong quý I-2017, tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,1% - mức tăng thấp nhất 3 năm gần đây, trong khi đó tín dụng tăng, giải ngân vốn đầu tư chậm, chi thường xuyên luôn đạt và vượt…. thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7 % như Quốc hội giao khó đạt.

Theo ĐB Phạm Quang Thanh, Chính phủ vẫn đặt quyết tâm sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng là rất đáng khích lệ, song Chính phủ cần phải đưa ra các mục tiêu sát thực tiễn hơn: “Chúng ta không nên đánh đổi rủi ro lấy tăng trưởng kinh tế không bền vững”. Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhắc lại sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra tại 4 tỉnh miền Trung và nêu rõ: “Vấn đề môi trường hiện vẫn đang bức xúc, đề nghị Chính phủ quyết liệt xử lý nghiêm minh vi phạm”.

Tương tự, tại tổ TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc phải bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. “Không nên chỉ tập trung vào GDP, cái giá phải trả là gì, môi trường, con người, y tế, giáo dục… - những cái giá phải trả sẽ để lại hậu quả lâu dài” - ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao hay thấp thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phải phục vụ cho con người, nguồn lực cũng phải dựa vào con người, môi trường kinh tế, thiên nhiên, xã hội.

“Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng… là những tài nguyên thiên nhiên có giá trị cực lớn, là của cải để cho nhiều thế hệ. Giữ được cái đó chính là tiền của, là thiên nhiên” - ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng.

Nợ công không phải cái đáng lo nhất

Phân tích sâu ở các khía cạnh tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xuất nhập khẩu…, ĐB Trần Hoàng Ngân (tổ TP.HCM) dẫn lại sự cố Samsung thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 vừa qua khiến nền kinh tế trong nước thiệt hại không nhỏ: “Nếu chúng ta phụ thuộc quá lớn vào các tập đoàn lớn của nước ngoài thì khi họ gặp rủi ro, lập tức nó sẽ tác động tới GDP của ta. Cần có giải pháp phát triển, nâng cao vị thế các tập đoàn của nước ta, đặc biệt là tập đoàn kinh tế tư nhân”.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (tổ Hà Nội) cho biết, vấn đề tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công hiện còn chậm, đây là điều cần phải có giải pháp xử lý ngay. Theo ĐB Hoàng Văn Cường: “Nợ công không đáng lo ngại, quan trọng là vốn vay về đầu tư vào đâu và có mang lại hiệu quả không. Do đó, trong ngắn hạn chúng ta không nên chạy theo mô hình tăng trưởng nhanh mà phải tìm ra cơ chế phù hợp để tái cơ cấu nền kinh tế”.

Còn tại đoàn Sóc Trăng, ĐB Nguyễn Đức Kiên cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính cần phải được nâng lên thêm một bước nữa: “Qua thông tin 20.000 viên thuốc ung thư tài trợ phải hủy vì hết hạn sử dụng, trong đó nguyên nhân do thủ tục hành chính cho thấy cán bộ, công chức của chúng ta còn chưa thực sự thể hiện hết tinh thần cán bộ là công bộc của người dân”.