Không chấp nhận sự cố từ sự cẩu thả

ANTD.VN - Tình trạng cá chết hàng loạt ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bước đầu được cơ quan chức năng nhận định do hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ).

Tuy nhiên, người dân và nhiều nhà khoa học còn băn khoăn về kết luận này, cho rằng không loại trừ có liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển do các doanh nghiệp xả thải. Theo người dân, trước thời điểm cá chết, người dân trong vùng đã phát hiện ở vùng biển cách bờ khoảng 300-500m, có một dải nước đen bất thường.

Sau đó, một số loài hải sản như cá bơn, thèn, ghẹ… cũng bị chết và trôi dạt vào bờ. Đây là những loài hải sản sinh sống ở tầng đáy, có sức chống chọi với tự nhiên tốt, trong khi trong trường hợp bùng phát tảo độc thường chỉ gây chết những loài cá ở tầng nước mặt. 

Trước những băn khoăn đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương xác định nguyên nhân cá chết ở Thanh Hóa, giao Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân cá chết; mời các chuyên gia, nhà khoa học phối hợp tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu nước biển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu kiểm tra rà soát các cơ sở có nguồn thải ra biển tại khu vực nêu trên. Các cơ quan chuyên môn cần tập trung làm rõ có hay không việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường là nguyên nhân khiến cá chết.

Bên cạnh đó, Bộ cũng giao Tổng cục Môi trường kiểm tra thông tin về việc phát hiện tàu chở bùn thải trong dự án nạo vét ven bờ khu vực Cảng Nghi Sơn đổ ra biển; phân tích mẫu bùn thải và làm rõ nguyên nhân có liên quan, báo cáo về bộ trước ngày 20-9. Được biết, hiện nay, ở Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) đang có 67 cơ sở sản xuất, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mà chủ yếu được doanh nghiệp xử lý trong hệ thống nội bộ, sau đó xả ra môi trường.

Chỉ đạo trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết không chỉ nhằm tìm ra câu trả lời chính xác, giải tỏa những băn khoăn của dư luận, mà còn là cơ sở để xây dựng các giải pháp quản lý chất thải nguồn lục địa, phòng tránh những sự cố môi trường biển tương tự trong tương lai.

Không chỉ đối với môi trường biển ở Khu kinh tế Nghi Sơn, từ đầu tháng 8 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành thanh tra diện rộng về chấp hành pháp luật môi trường và tài nguyên nước tại 23 tỉnh, thành phố lớn. Theo đó, tất cả các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả thải từ 500m3/ngày đêm trở lên sẽ thuộc diện thanh tra. 

Dù các cuộc thanh tra vẫn chưa kết thúc và chưa có kết luận nào được đưa ra, nhưng dư luận hy vọng các cuộc thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này sẽ nghiêm túc, thực chất và hiệu quả. Bởi bài học Formosa còn đó, người dân sẽ không thể chấp nhận bất cứ một sự cố tương tự nào trong tương lai mà có phần lỗi thuộc về sự cẩu thả của cơ quan bảo vệ môi trường.