Không chấp nhận hành vi “tát nước theo mưa” mùa dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong lúc cả nước đang căng sức, tập trung các nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp thì thật bất nhẫn khi có những người lại lợi dụng trong lúc dịch bệnh khó khăn này để tìm mọi cách kiếm lợi, vì thế, khiến cho những người vốn đã khó khăn, vì dịch bệnh lại càng thêm khó khăn, vất vả hơn.
Các y bác sĩ của Việt Nam đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng những trang thiết bị y tế hiện đại

Các y bác sĩ của Việt Nam đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng những trang thiết bị y tế hiện đại

“Ăn theo” dịch bệnh gây bức xúc, bất bình

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước Công văn văn số 5944/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành ngày 24-7 vừa qua. Theo công văn này, có 12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovi; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên; Viên nang Nasagast - KG.

Tuy nhiên, ngay sau khi Công văn 5944 được ban hành đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, trong danh mục 12 sản phẩm này có nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không đúng tính năng và công dụng điều trị bệnh Covid-19.

Lên tiếng “trần tình” sau khi ban hành văn bản 5944, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.

Cũng theo vị Cục trưởng này, các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly.

Trước sự bức xúc và phản ứng của dư luận, Bộ Y tế ngay sau đó đã phải thu hồi Công văn số 5944. Theo đó, ngày 26-7, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện và cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền về việc thu hồi Công văn số 5944 về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Cho dù Bộ Y tế phải thu hồi Công văn 5944 chỉ sau 2 ngày ban hành, song cũng đã khiến 12 sản phẩm có tên trong văn bản này tăng giá mạnh, có sản phẩm bị “thổi giá” tăng gấp 4-5 lần. Một số sản phẩm như Kovir, Hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất… đã bán rất chạy.

So với thời điểm cuối tháng 6 khi chưa “sốt”, giá Hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất đã tăng từ 94.000 đồng/hộp lên 99.000 đồng/hộp. Giới chuyên môn cho rằng, có thể số tiền tăng trên mỗi hộp thuốc không nhiều nhưng với số lượng rất lớn được bán ra và việc điều chỉnh giá trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay này rõ ràng là dấu hiệu trục lợi từ dịch Covid-19, đặc biệt nhất là khi lại có thông tin thuốc này có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Tăng “phi mã” nhất là sản phẩm Viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Với hướng dẫn ghi phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch các bệnh lý do virus… giá của sản phẩm này đã tăng vọt lên tới 1.000.000 đồng/hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 15 viên, gấp nhiều lần giá bán ngay trước đó.

Ngoài ra, thuốc Xuyên tâm liên, một trong những thuốc được đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19, cũng được tìm mua nhiều. “Ăn theo” lúc dịch bệnh, nguy hiểm hơn còn có những sản phẩm giả mạo.

Theo đó, ngày 26-7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông báo khẩn cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả mạo hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên Xuyên tâm liên. Các sản phẩm này được quảng cáo có công dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19… nhưng Cục An toàn thực phẩm khẳng định đó là các sản phẩm chưa được công bố và đăng ký với cơ quan chức năng.

Cẩn xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi trong dịch bệnh

Việc một số dược phẩm tăng giá gây bức xúc không phải lần đầu tiên diễn ra kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước ta từ tháng 1-2020. Trước đó, khi dịch mới xuất hiện, dù các trường hợp mắc không nhiều và đều được truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng nhưng cũng đã dẫn tới cơn sốt khẩu trang cùng các sản phẩm sát khuẩn tay khác.

Việc lợi dụng dịch bệnh để tìm mọi cách trục lợi còn có thể thấy qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua khi có những doanh nghiệp, tiểu thương… đã không những không đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người dân, xã hội mà còn đẩy giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng giá.

Khi mà nhiều người lao động, đặc biệt là lao động thời vụ và người nghèo, do thực hiện giãn cách đã không có việc làm, thu nhập lại còn phải mua lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày với giá cao hơn bình thường. Cuộc sống lúc dịch bệnh của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Việc những cơn sốt giá cả của các thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế cũng như lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu khác lúc dịch bệnh nhiều khi không phải do chênh lệch cung cầu mà do có những thành phần tranh thủ đầu cơ, tích trữ, lợi dụng mua bán ăn chênh lệch… nhằm thu lợi bất chính. Vì vậy, chính quyền cũng như người dân phải lên án và đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa với nhưng đối tượng bất nhẫn tìm cách thu lợi ngay trong lúc dịch bệnh.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi đầu cơ hàng hóa là vi phạm pháp luật, có thể xử phạt theo Điều 31, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 28-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt tiền từ 5-100 triệu đồng (tùy vào hành vi vi phạm). Hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động… Ngoài ra, đối với các cơ sở bán hàng, siêu thị nếu có hành vi găm hàng thì sẽ bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng.

Nghiêm khắc hơn, theo các chuyên gia pháp lý, hành vi đầu cơ, gom các mặt hàng thiết yếu để bán với giá cao trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay rất đáng lên án và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Nhằm xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính lúc dịch bệnh phức tạp, rất cần điều tra, xử lý rốt ráo những trường hợp gây bức xúc trong dư luận nhân dân.