Không cẩu thả mới có được nghệ thuật đỉnh cao

ANTĐ - “Không vội vàng để kịp ra hội ra làng, chúng tôi chắt chiu từng vệt sáng, từng đạo cụ, từng diễn viên để dàn dựng vở opera “Nàng tiên trong ống tre” nhằm mang văn hóa đỉnh cao đến khán giả. Từ vở diễn này mới thấy, lối dàn dựng kiểu “ăn xổi” tồn tại lâu nay chính là một trong những nguyên nhân khiến sân khấu Việt vắng khách” - NSND Lê Hùng khẳng định trong vai trò đạo diễn sân khấu của vở diễn có nguyên gốc Nhật Bản sẽ ra mắt vào hôm nay 7-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không cẩu thả mới có được nghệ thuật đỉnh cao ảnh 1Nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ chỉ huy dàn nhạc 

Tính toán từng chi tiết

Làm đạo diễn sân khấu opera có nhiều điểm khác so với làm sân khấu các vở diễn kịch nói, cải lương hay tuồng, chèo. Đạo diễn Lê Hùng sẽ tính toán các chi tiết trong cảnh từ diễn xuất, lời thoại đến hát sao cho vừa vặn trong một khuôn nhạc. Vì thế, sự chắt chiu để đưa vào vở diễn những chi tiết đắt giá, những tình tiết thú vị luôn được đặt lên hàng đầu. Và thật không ngoa khi ông cho biết mình phải chắt chiu từng vệt sáng, từng giọng hát. Hơn thế, ở vở diễn này, NSND Lê Hùng là đồng đạo diễn cùng nghệ sỹ Miura Yasuhiro (Nhật Bản) nên dù sao, hai cái đầu hợp sức lại cũng đưa ra những ý kiến sáng suốt hơn. Hai vị đạo diễn đã chọn đi chọn lại các phương án để cuối cùng có được một cách giải quyết hợp lý. Phong cách làm việc chặt chẽ và quy củ của người Nhật đòi hỏi cả đạo diễn Lê Hùng và các diễn viên opera của Việt Nam làm việc đầy sáng tạo và chỉn chu. 

Để mang đến khán giả sản phẩm văn hóa đỉnh cao, êkíp gồm 200 diễn viên, nhạc công, hợp xướng không vội vàng đẩy nhanh tiến độ. Họ tập luyện ròng rã trong nhiều tháng, bay đi bay về giữa Việt Nam và Nhật Bản để sửa chữa và “lắp ghép” các bộ phận trong vở diễn sao cho thật nhuần nhuyễn. Chỉ cần lơi đi một nhịp là vở diễn đã khác và làm ảnh hưởng đến khả năng lan tỏa của văn hóa. Các nghệ sỹ opera Việt Nam và Nhật Bản đều khá xa lạ với việc phải diễn xuất trên sân khấu nhưng trong vở “Nàng tiên trong ống tre” không thể không diễn. Chính vì thế, không hiếm lần, vị đạo diễn này phải nhảy lên sân khấu, thị phạm ngay trước mặt các diễn viên. Sự bất đồng ngôn ngữ giữa đạo diễn Lê Hùng và các nghệ sỹ opera Nhật Bản đã dẫn đến một tình huống khá hài hước trong các buổi tập. Đó là việc một mình Lê Hùng có đến 2 phiên dịch tiếng Nhật lẽo đẽo chạy theo. Đạo diễn cứ làm mẫu, phiên dịch cứ nói để diễn viên biết cách thể hiện. Theo NSND Lê Hùng, các nghệ sỹ opera Việt Nam tài năng không kém các nghệ sỹ opera Nhật Bản nhưng làm việc còn tùy tiện nên khi tham gia vở “Nàng tiên trong ống tre” đã sửa chữa được hạn chế lớn nhất là sự cẩu thả. 

Vô lý nhưng… hợp lý

Có một chi tiết khá thú vị khi khán giả thưởng thức vở opera này. Người xem sẽ thấy việc chọn vai cho các diễn viên không mấy hợp lý và không hoàn toàn giống với các thể loại sân khấu thông thường. Người đáng lý đóng hoàng tử lại diễn hoàng đế, người đáng lý đóng mẹ của công chúa mặt trăng lại đóng người của thiên đình… Những thắc mắc này cũng dễ hiểu bởi opera là loại hình nghệ thuật phụ thuộc vào giọng hát. Trước khi bắt tay vào dàn dựng, đạo diễn Lê Hùng và đạo diễn Miura Yasuhiro chọn giọng trước, vai diễn nào cần giọng nam cao sẽ lựa chọn trong số các diễn viên của Nhật Bản và Việt Nam để chọn ra một người thích hợp nhất. Nhưng vì nghệ sỹ hát opera không nhiều nên sự lựa chọn cũng có hạn và nhiều khi không thật sự ưng ý về ngoại hình. 

Với sự kỹ lưỡng trong khâu dàn dựng và tập luyện, NSND Lê Hùng khẳng định vào sự thành công của vở opera. Ông chia sẻ: “Người Nhật quan niệm làm ra tấm ra món. Với từng ấy thời gian, công sức và sự ủng hộ từ phía bạn, tôi dám chắc “Nàng tiên trong ống tre” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khán giả. Qua hai vở diễn hợp tác cùng Nhật Bản, tôi thấy lối dàn dựng sân khấu của Việt Nam thật sự có vấn đề. Chính sự cẩu thả, làm ăn không đến nơi đến chốn nên sân khấu mới vắng khách”. Sau lần ra mắt tại Hà Nội, vở diễn sẽ được biểu diễn tại Nhật Bản và êkíp dàn dựng có ý định lưu diễn “Nàng tiên trong ống tre” tại TP.HCM.