Không cấm nuôi chó cảnh trong khu dân cư?

ANTD.VN - Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao chuyện dở khóc, dở cười việc nuôi chó cảnh trong khu vực nhà chung cư tại các thành phố lớn. Có ý kiến cho rằng, việc nuôi chó, mèo cảnh gây mất vệ sinh nhưng với người chơi “thú cưng” thì ngược lại, luật không cấm vẫn cứ nuôi.

Nhiều gia đình không ngại ngần "móc hầu bao" để sở hữu "thú cưng"

Mới đây, khi tôi đến thăm gia đình người bạn đang sống tại một khu chung cư cao cấp, sang trọng nhất, nhì Hà Nội, thấy cô bé Thủy Tiên (con gái anh bạn) ôm con chó khá đẹp và lạ, nước mắt ngắn, nước mắt dài…

Khóc dở vì “thú cưng”

Qua câu chuyện được biết, không hiểu cô bé Thủy Tiên nghe ở đâu BQL tòa nhà thông báo áp dụng việc cấm nuôi, chăn thả gia súc, gia cầm trong nhà chung cư. Trước tin sốc này, Thủy Tiên đã không cầm được nước mắt trước số phận của con Dobermann Pinscher (Doberman) mà cô bế vừa được bố bỏ ra một khoản tiền lớn để mua về tặng nhân dịp sinh nhật tháng trước.

Tìm hiểu vấn đề trên, có quan điểm cho rằng, chó cảnh là loài vật nhỏ nhắn, thông minh, đáng yêu, nuôi chó cảnh có ý nghĩa tích cực trong công tác giáo dục cho trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội vị tha và thân ái. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc nuôi chó cảnh trong nhà chung cư gây mất vệ sinh nơi công cộng, ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân trong khu vực.

Theo Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Tiến (Phòng khám Happy Pet), việc nuôi chó mèo ở trong khu chung cư hay ở nhà không phải là vấn đề, quan trọng là mình cần phải biết tiêm chủng đầy đủ, huấn luyện sao cho nó ngoan ngoãn là được. Hiện nay, ở nước ngoài họ có những luật để bảo vệ cho súc quyền, trong khi ở Việt Nam thì vấn đề này chưa được coi trọng.

Cùng quan điểm trên, chị Cấn Thị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc thắt chặt quản lý chó, mèo ở khu chung cư là cần thiết nhưng không đến mức phải cấm nuôi. Vì thực tế, nếu chó, mèo phóng uế hoặc gây ảnh hưởng đến vệ sinh chung của chung cư, thì chẳng cần chờ luật, dân đã có ý kiến rồi. Thay vì cấm để kéo theo hệ lụy là rất nhiều con chó, mèo sẽ bị đẩy ra đường hoặc không biết cho đi đâu, sao không tăng cường quản lý bằng các quy định phạt?

Thực tế, chó và mèo là những động vật phổ biến được nuôi trong các gia đình trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Theo thống kê của Sở Kinh tế liên bang Bỉ, trong năm 2014, người dân Bỉ đã chi 1,3 tỷ Euro cho chó, mèo những vật nuôi rất được cưng chiều trong gia đình.

Chó, mèo là những vật nuôi rất đỗi được cưng chiều nên nhiều gia đình không ngại ngần "móc hầu bao" cho thú cưng của mình. Những chú chó thường được chủ dắt đi dạo vào mỗi buổi sáng, chiều trong công viên.

Luật không cấm

Ở sát nước ta, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) áp dụng bộ luật về quy định mỗi gia đình chỉ được phép nuôi một con chó. Nếu chó sinh thêm con, chủ sở hữu phải cho con chó mới sinh cho những gia đình chưa nuôi chó, hoặc phải đưa chúng đến bàn giao cho trung tâm chăm sóc vật nuôi.

Những chú chó thường được chủ dắt đi dạo vào mỗi buổi sáng, chiều

Luật sư Vũ Anh Đức, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật về nhà ở đã có quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10-12-2015), đã quy định cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.

Do đó, nếu xác định chó cảnh là "gia súc" thì việc nuôi chó cảnh trong nhà chung cư là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Tuy pháp luật không có định nghĩa cụ thể thế nào là "gia súc", nhưng theo Từ điển tiếng Việt, "gia súc" là tên dùng để chỉ một hoặc nhiều loài động vật có vú được thuần hóa và nuôi vì mục đích để sản xuất hàng hóa như lấy thực phẩm, chất xơ hoặc lao động.

Việc chăn nuôi gia súc là một bộ phận quan trọng trong nền nông nghiệp. Theo định nghĩa này, do việc nuôi chó cảnh rõ ràng không vì mục đích nêu trên, nên chó cảnh không phải là "gia súc" và việc nuôi chó cảnh trong khu vực nhà chung cư là không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ngay tại một số khu chung cư cao cấp, Chủ đầu tư cũng chỉ quy định cấm nuôi gia súc, gia cầm trong “Khu vực sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ” làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác và khu vực công cộng (nếu nuôi vật cảnh thì phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật).

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, sử dụng tại một số nhà chung cư, việc nuôi chó cảnh không bị cấm, nhưng chủ sở hữu chó cảnh phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phải có ý thức bảo vệ môi trường, không được làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Nếu nuôi chó cảnh gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để chó cảnh phóng uế ở nơi công cộng, chủ sở hữu chó cảnh sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.